TTCK thực ra là thị trường của tâm lý, của niềm tin và sự kỳ vọng.

TTCK thực ra là thị trường của tâm lý, của niềm tin và sự kỳ vọng.

IPO Vietcombank - “Cuộc chiến” khốc liệt

(ĐTCK-online) Có lẽ chưa một đợt IPO nào lại thu hút được sự chú ý của đông đảo công chúng đầu tư như IPO Vietcombank. Nhà đầu tư kỳ vọng gì ở cổ phiếu Vietcombank sau khi cổ phần hoá? Bài viết này sẽ giới thiệu một cách tổng thể về cổ phần Vietcombank, các đối tượng sẽ tham gia IPO cũng như hành vi và chiến lược của họ.

Chủ thể được IPO

Tính đến cuối năm 2006, Vietcombank đã phát triển lớn mạnh theo mô hình ngân hàng đa năng. Tổng tài sản cuối năm 2006 đạt 170.000 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 68.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt hơn 11.000 tỷ đồng. Mục tiêu sau cổ phần hóa là trở thành tập đoàn đầu tư tài chính - ngân hàng hàng đầu, đóng vai trò chủ đạo tại Việt Nam và trở thành một trong 70 định chế tài chính hàng đầu tại châu Á vào năm 2015 - 2020, có phạm vi hoạt động quốc tế.

Với vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng (tương ứng 1,5 tỷ cổ phần), Nhà nước nắm giữ 70%, lượng cổ phần phát hành ra bên ngoài là 30%, cơ cấu vốn như sau: IPO 6,5% (97,5 triệu cổ phần), phát hành 3,5% (52,5 triệu cổ phần) cho cán bộ, nhân viên và người sở hữu trái phiếu tăng vốn (có quyền chuyển đổi sang cổ phần); bán cho đối tác, bạn hàng 5% (75 triệu cổ phần); bán cho đối tác chiến lược nước ngoài 15% (225 triệu cổ phần). Đối tượng cán bộ, nhân viên và trái chủ sẽ là đối tượng muốn kết quả đấu giá thấp nhất, nhất là những người mua trái phiếu trên thị trường thứ cấp với giá cao hơn mệnh giá.

Nhóm các nhà đầu tư nước ngoài

Đây là nhóm nhà đầu tư hiện đang có ảnh hưởng đến xu hướng tăng giảm của thị trường. Hiện số lượng quỹ trong và ngoài nước là hơn 60 quỹ. Nhìn chung, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam với chiến lược đầu tư dài hạn là chính, điều này được thể hiện họ mua nhiều hơn bán, tỷ lệ room còn lại ngày càng ít dần. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà đầu tư cá nhân lướt sóng và một số quỹ sau thời gian nắm giữ đã bán bớt một phần cổ phiếu để hiện thực hoá lợi nhuận hay cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Với kiểu IPO đấu giá Hà Lan (những ai trả giá cao nhất sẽ mua được), trong một số vụ IPO hấp dẫn, các nhà đầu tư nước ngoài hầu như không thể cạnh tranh về giá với các các nhà đầu tư trong nước. Có lẽ vì vậy mà trên thị trường niêm yết, trước các cuộc đấu giá, họ thường mua bán hạn chế, nhằm làm "hạ nhiệt" giá đấu của các nhà đầu tư trong nước để họ có thể mua được cổ phần trong đợt IPO với giá hợp lý. Với Vietcombank cũng vậy, giá đấu thấp họ sẽ có cơ hội mua được cổ phần với giá thấp (Vietcombank sẽ quyết định giá bán khi IPO kết thúc) nên thời gian gần đây họ cũng hạn chế mua vào cổ phiếu trên sàn, một số còn nhận xét rằng, giá nhiều cổ phiếu khá cao, hệ số P/E cao… Các nhà đầu tư nội vốn ít, hay chạy theo phong trào, mua bán ngắn hạn vì thế mà bị ảnh hưởng, góp phần làm cho thị trường lình xình. Khi thị trường niêm yết lình xình thì giá đấu cổ phần thường không cao hơn nhiều so với giá khởi điểm, đó là chưa kể một số trường hợp đấu giá thất bại (không bán hết hoặc bỏ cọc).

 

Nhóm các nhà đầu tư nội

Nhóm này chủ yếu là các quỹ đầu tư trong nước, khối tự doanh của các CTCK và nhà đầu tư cá nhân. Trong đó, các nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò khá quan trọng đối với tính thanh khoản của thị trường. Họ có thể dễ dàng đặt mua hết số tiền mà họ dành dụm được và ngược lại, đặt bán hết kể cả khi lỗ rất nhiều. Nhìn chung, nhóm này khi thị trường lên thì không lãi nhiều vì họ thường bán ngay để thu lợi, trong khi mua không ở đáy, bán không ở đỉnh. Còn khi thị trường đi xuống thì thua lỗ cũng nhiều hơn do bán giá sàn để cắt lỗ hoặc chuyển sang nắm giữ dài hạn nhưng sau đó lại bán ra vì không chịu nổi mức lỗ ngày một lớn dần. Kết quả đấu giá Vietcombank có lẽ cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn bởi tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân.

 

Nhà đầu tư kỳ vọng gì đợt IPO của Vietcombank?

Vietcombank là một thương hiệu lớn, có khối tài sản khổng lồ 170.000 tỷ đồng, có quỹ đất 180.000 m2… nhưng mức kỳ vọng lớn hơn của nhà đầu tư là sự "lột xác" trong tư duy, trong quản trị điều hành, phong cách làm việc của Vietcombank sau cổ phần hóa. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá đều có bước phát triển mạnh mẽ, bởi mọi hoạt động được giám sát, quản lý chặt chẽ hơn, cơ cấu lao động gọn nhẹ hơn, chi phí được tiết giảm, mọi người làm việc vì doanh nghiệp và cũng là vì họ, vì họ cũng là cổ đông…

Các tổ chức đầu tư nước ngoài dường như hiểu vấn đề này rõ hơn nên dù nhận xét rằng, giá cổ phiếu Việt Nam cao, hệ số P/E quá cao nhưng chính bản thân họ lại đi mua những cổ phiếu có chỉ số P/E cao vời vợi. Ví dụ, HSBC mua Bảo Việt khi P/E gần 140 lần (EPS chỉ hơn 500 đồng, trong khi giá mua là 71.000 đồng/cổ phần). Hay như mua PVD khi cổ phiếu này chào sàn cuối năm 2006 với giá 130.000 đồng/cổ phiếu, lúc đó P/E năm 2005 là 170 lần. Những tháng đầu năm 2007, giá PVD có thời điểm lên đến 300.000 đồng/cổ phiếu, khi đó P/E năm 2006 là 175 lần.

Trở lại câu chuyện Vietcombank, trong khi các ngân hàng cổ phần đạt được kết quả kinh doanh rất tốt thì Vietcombank năm 2007 lại có bước thụt lùi đáng lưu ý. Vietcombank đã cho vào quỹ dự phòng năm 2007 hơn 1.000 tỷ đồng, cao gấp 7 lần so với năm 2006. Tại sao lại phải lập quỹ dự phòng lớn như vậy, họ lo sợ khủng hoảng tài chính chăng, hay đây là một cách giấu lợi nhuận hợp pháp? Nếu Vietcombank giấu lợi nhuận thì nhằm mục đích gì? Câu trả lời có thể nằm ở số lượng hơn 6.0000 cán bộ, nhân viên của Vietcombank và cũng là trái chủ trong đợt phát hành trái phiếu tăng vốn cuối năm 2006. Đây là nhóm đối tượng không hề muốn Vietcombank được đấu với giá cao vì họ chính là những người sẽ mua và chuyển đổi theo giá đấu bình quân. Và nếu lợi nhuận năm 2007 cao thì khoản lợi nhuận này cũng sẽ về Nhà nước hết như trường hợp của Đạm Phú Mỹ, cổ đông sau khi cổ phần hóa hoàn toàn không được gì vì lợi nhuận chỉ được tính sau khi doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh công ty cổ phần. Ngoài ra, lợi nhuận năm 2007 cao cũng sẽ làm tăng giá đấu bình quân, tạo áp lực lớn về tăng trưởng đối với HĐQT và Ban giám đốc. Với lợi nhuận năm 2007 thấp thì đương nhiên năm 2008, Ban quản trị Vietcombank sẽ dễ dàng đạt được kế hoạch tăng trưởng cao so với năm trước.

 

Nguồn tài chính cho IPO Vietcombank liệu có đủ?

Theo thống kê mới nhất, hiện cả nước có trên 300.000 tài khoản đầu tư chứng khoán; số lượng quỹ đầu tư trong và ngoài nước là hơn 60 quỹ; ngoài số đã giải ngân, hiện có 4 - 5 tỷ USD đang chờ để tham gia vào những đợt IPO lớn của các đại gia như Vietcombank, BIDV, MobiFone…

Câu hỏi được đặt ra trong tình hình thị trường niêm yết lình xình như hiện nay là liệu đợt IPO Vietcombank sắp tới có hút hết lượng tiền của các nhà đầu tư ? Giả sử, giá đấu bình quân đạt 130.000 đồng/cổ phần, lượng tiền mua xấp xỉ 12.700 tỷ đồng, 30% trong số này (khoảng 3.800 tỷ đồng) là room dành cho nhà đầu tư nước ngoài, có vẻ nguồn vốn này không thấm tháp gì so với số vốn khổng lồ mà nhà đầu tư nước ngoài đang cần giải ngân, phần còn lại khoảng 9.000 tỷ đồng, tương đương giá trị giao dịch 10 phiên bình thường và 6 phiên đỉnh cao trên sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM.

Giả định 1/10 số tài khoản tham gia đấu giá, mỗi người mua 2.000 cổ phần, lượng cổ phần đặt mua sẽ là 60 triệu, tương ứng số tiền 5.200 tỷ đồng. Các quỹ nội như SSI, VFM, Hà Nội, Bản Việt… cùng rất nhiều quỹ khác đều không muốn đứng ngoài cuộc chơi, hơn 60 CTCK có khối tự doanh sẽ đóng góp một phần không nhỏ.

Trong khi đó, TTCK thực ra là thị trường của tâm lý, của niềm tin và sự kỳ vọng. Trong bối cảnh thị trường lình xình, giao dịch thấp, ai cũng bảo hết tiền nhưng khi thị trường tăng nóng vài phiên liên tiếp thì dòng tiền khổng lồ sẽ được đổ vào thị trường hàng ngày. Vấn đề ở đây là tâm lý. Khi tâm lý nhà đầu tư hưng phấn, có niềm tin, sự kỳ vọng thì mọi quyết định hay hành động được xử lý nhanh chóng, bởi nếu không nhanh thì sẽ mất cơ hội, điều này khiến thị trường khi tăng sẽ càng tăng mạnh và ngược lại, thị trường xuống sẽ xuống càng mạnh.

Đối tượng nào bị ảnh hưởng nhiều nếu Vietcombank có giá trúng bình quân thấp? Đó là khối ngân hàng cổ phần hay bảo hiểm. Hơn ai hết, khối này thông qua các CTCK trực thuộc đều tham gia với tư cách là nhà đầu tư, họ không muốn ngồi ngoài cuộc. Ngoài ra, họ cũng là "nhà tạo lập thị trường" cho giá cổ phiếu ngân hàng. Vietcombank mà rẻ thì cổ phiếu của họ ai sẽ mua? Các quỹ đầu tư nước ngoài ngoài việc "đè" giá cổ phiếu trên thị trường niêm yết, họ cũng phải tính toán làm sao để mua được cổ phần Vietcombank. Ngoài các quỹ nước ngoài cạnh tranh với nhau, họ còn phải cạnh tranh với các quỹ nội và các nhà đầu tư cá nhân. 30% số cổ phần dành cho họ là số lượng có thể nói là quá nhỏ bé so với họ. Trong khi đó, áp lực đè lên vai họ là rất lớn, họ luôn bị chất vấn những câu kiểu như: "Các anh cả ngày làm gì mà mãi không giải ngân vốn, số tiền này tôi gửi tiết kiệm còn được gần 10%/năm!".

Áp lực phải mua được cổ phần Vietcombank, áp lực phải mua và phải thành công sau bao nhiêu tháng chờ đợi… Có thể nói, cuộc đấu giá Vietcombank lần này sẽ là "cuộc chiến" khốc liệt nhất trên TTCK Việt Nam từ trước tới nay.