Theo kế hoạch, TEDI sẽ thực hiện chào bán cổ phần ra công chúng (IPO) vào ngày 26/4 tới, với giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần.
Trong đợt IPO lần này, TEDI sẽ chào bán hơn 2,6 triệu cổ phần, với giá trị hơn 26 tỷ đồng (bằng 20,8% vốn điều lệ, 125 tỷ đồng). Số cổ phần Nhà nước nắm giữ tại TEDI sau IPO sẽ là 49%. Tuy nhiên, theo ông Bùi Doãn Toản, Chủ tịch Hội đồng thành viên TEDI, sau khi IPO một thời gian, TEDI sẽ tiếp tục bán tiếp phần vốn nhà nước.
“Sau khi thực hiện IPO, TEDI sẽ tiếp tục triển khai ngay lộ trình để có thể đưa cổ phiếu lên niêm yết trên thị trường chứng khoán. Hy vọng có thể sẽ chỉ trong vài tháng tới”, ông Toản nói.
Xét về thương hiệu và tên tuổi, TEDI là doanh nghiệp hàng đầu và có bề dày trong lĩnh vực tư vấn thiết kế các công trình ngành giao thông. Tuy nhiên, một trong những vấn đề hàng đầu các nhà đầu tư quan tâm khi TEDI thực hiện IPO là tài sản công ty có những gì mà có thể “đội” lên đến con số mấy trăm tỷ đồng như vậy?
Theo số liệu tài chính mới nhất của TEDI, hiện Công ty có vốn chủ sở hữu là 140,4 tỷ đồng, cao thuộc hàng kỷ lục trong ngành tư vấn.
Trong cơ cấu tài sản, phần xác định giá trị tài sản cố định của Công ty chính là đề tài đang có nhiều quan điểm khác nhau. Số tài sản cố định này hiện chủ yếu là nhà cửa, văn phòng do TEDI đang sử dụng, nhưng đã qua sử dụng 50 năm và có thể coi như đã khấu hao hết từ lâu. Tuy nhiên, khi xác định giá trị, thì phần nhà cửa, văn phòng vẫn được đưa vào giá trị công ty, đẩy giá trị lên cao hơn. Ngoài ra, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của TEDI khá cao.
Cụ thể, với tổng nguồn vốn 364,4 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hưũ của TEDI chỉ 140,4 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả lên tới 224 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn (là 209,9 tỷ đồng).
Giải thích về vấn đề này, ông Toản cho biết, trong nguyên tắc hạch toán, cho dù có những phần gọi là nợ, nhưng thực chất tiền thật đã về két của Công ty. Đó là tiền do khách hàng ứng trước. Ngoài ra, TEDI cũng tham gia tư vấn thiết kế cho một số công trình trọng điểm quốc gia và chưa được thanh toán, quyết toán. “Đây tuy cũng là một khoản nợ phải thu, nhưng rất an toàn vì “đối tác” nợ rất đáng tin cậy - đó là Nhà nước”, ông Toản nói.
Trong khi việc xác định tài sản hữu hình là điều vẫn còn gây băn khoăn, thì giá trị tài sản vô hình của TEDI lại được một số nhà đầu tư coi là một khoản hời.
Cũng như những doanh nghiệp ngành tư vấn, nguồn lực con người có thể coi là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp và TEDI đang có trong tay một khối lượng “tài sản” khổng lồ, xét ở khía cạnh này.
Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm (FECON) cho biết, TEDI có thể coi là “lò luyện nhân tài” của ngành giao thông. Khá nhiều kỹ sư danh tiếng trong ngành giao thông, xây dựng xuất phát từ “lò” TEDI, chính ông Khoa cũng xuất thân từ “lò” này ra trước khi tách ra phát triển thương hiệu riêng là FECON.
Đây cũng chính là lý do khiến FECON quyết định chi 6,25 tỷ đồng mua cổ phần của TEDI và trở thành một trong 2 cổ đông chiến lược, trước khi TEDI tiến hành IPO đợt này.