IPO năm 2022 "đảo chiều", ảm đạm hơn nhiều so với năm trước

IPO năm 2022 "đảo chiều", ảm đạm hơn nhiều so với năm trước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo EY, thị trường đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) đã đảo chiều lao dốc trong năm 2022 khi đã giảm tới 45% số đợt IPO, khác hẳn với sự bùng nổ của thị trường này trong năm 2021.

Theo EY, thị trường IPO đã đảo chiều lao dốc trong năm 2022 khi chỉ có 1.333 đợt IPO với tổng số vốn huy động được là 179,5 tỷ USD, giảm lần lượt 45% và 61% số lượng giao dịch và tiền thu được so với cùng kỳ năm 2021. Chủ yếu là do quy mô giao dịch giảm do định giá thấp hơn và hoạt động kém hiệu quả của thị trường chứng khoán.

Theo báo cáo của EY, trong suốt năm 2022 hoạt động IPO toàn cầu bị ảnh hưởng bởi sự biến động của thị trường gia tăng và các điều kiện thị trường không thuận lợi khác. Đồng thời, hiệu suất ảm đạm của nhiều đợt IPO năm 2021 cũng tác động không nhỏ...

Do bối cảnh được xác định lạm phát cao và lãi suất tăng nên nhiều nhà đầu tư đã từ chối các công ty đại chúng mới và chuyển sang các loại tài sản ít rủi ro hơn. Chính vì vậy, việc tài trợ tài chính trong các hoạt động IPO đã giảm mạnh lần lượt là 77% và 93% theo số lượng và số tiền thu được.

Trên thực tế hầu hết hoạt động của thị trường giảm, song EY cho biết, trong năm 2022, một số khu vực và một số ngành họ vẫn thu về mức độ thành công khiêm tốn. Ví dụ như lĩnh vực công nghệ tiếp tục dẫn đầu khi chiếm tới 23% lượng giao dịch, xếp thứ hai là ngành năng lượng với con số 22%.

Trong số các đợt IPO lớn đã niêm yết, cụ thể là những đợt huy động được trên 1 tỷ USD, số tiền thu về trong năm 2022 cao hơn 2021 tới 45% nhờ vào việc định giá cao các đợt IPO năng lượng. Một số thị trường như Trung Quốc đại lục, Trung Đông và một vài nước ở Đông Nam Á vẫn hoạt động tương đối tốt dù xét trên toàn cầu tình hình khá là ảm đạm.

Nhận xét về hiệu suất IPO trên từng khu vực, EY cho biết, hoạt động IPO ở châu Mỹ đã chạm mức thấp chưa từng thấy kể từ sau đỉnh điểm của cuộc đại suy thoái. Nó đã chạm mức thấp nhất về khối lượng sau 13 năm và xuống mức giá trị thấp nhất trong 20 năm trở lại đây do thị trường bị ảnh hưởng bởi sự biến động và các chính sách được thực hiện để chống lạm phát. Số lượng IPO và tiền thu về ở châu lục này giảm rất mạnh khi chỉ có 130 giao dịch và 9 tỷ USD thu về, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái lần lượt là 76% và 95%.

Trong khi đó, ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có tới 845 đợt IPO và thu về 120,6 tỷ USD. Đây là nơi chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu và căng thẳng địa chính trị ít nhất, đồng thời chiếm 63% số giao dịch và 67% số tiền huy động được trên toàn cầu vào năm 2022.

Với Đông Nam Á có tổng 137 đợt IPO, huy động được 6,5 tỷ USD vào năm 2022, so với 2021 thì nhiều hơn về số đợt nhưng lại ít hơn về số tiền có được (2021 có 134 đợt IPO và huy động được 13,2 tỷ USD).

Dẫn đầu về hiệu suất của khu vực này là Indonesia (60 đợt IPO và 2,2 tỷ USD), tiếp đến là Thái Lan (32 IPO và 3,1 tỷ USD), Malaysia (29 đợt IPO và 700 triệu USD), Philippines (8 đợt IPO và 500 triệu USD) và Singapore (8 đợt IPO và 40 triệu USD). Tuy nhiên, có một số đợt niêm yết lớn tại các sàn giao dịch ở Đông Nam Á đã bị hạn chế vào năm ngoái nhưng sau khi dỡ bỏ các hạn chế do COVID-19, các đợt IPO này có thể quay trở lại vào năm 2023.

Mặt khác, hoạt động IPO của châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEIA) đã giảm lần lượt 53% và 55% về số lượng và số tiền thu được, ghi nhận 358 đợt IPO huy động được 49,9 tỷ USD.

Trái ngược với châu Âu khi hoạt động IPO của châu lục này giảm 78% do bất ổn địa chính trị, Trung Đông và Bắc Phi (MENA) đã tăng 115% nhờ số tiền thu được do hưởng lợi từ việc hoàn thành các đợt IPO năng lượng lớn và các đợt IPO khác, cùng với sáng kiến ​​tư nhân hóa của chính phủ. EMEIA cũng đã thực hiện năm trong số mười đợt IPO hàng đầu trong năm nay.

Sự phát triển trong năm 2023 của các kế hoạch IPO được dự đoán sẽ được triển khai mạnh mẽ. Mặc dù ở quý đầu tiên, có thể hoạt động vẫn sẽ hơi ảm đạm nhưng khi các điều kiện thuận lợi sẵn sàng, hoạt động IPO toàn cầu có thể lấy lại “phong độ” vào cuối năm nay.

Hiện tại, các nhà đầu tư sẽ tập trung nhiều hơn vào các nguyên tắc cơ bản của công ty, chẳng hạn như tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và dòng tiền, thay vì chỉ dự đoán tăng trưởng. Vì có mối tương quan tích cực giữa hiệu suất giá cổ phiếu sau IPO của các công ty và việc tuyên truyền các chiến lược về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) của họ, các nhà đầu tư cũng sẽ xem xét kỹ hơn chương trình ESG của các công ty.

Tin bài liên quan