IPO năm 2018: Cần gỡ vướng cho vốn ngoại “đấu” cùng

IPO năm 2018: Cần gỡ vướng cho vốn ngoại “đấu” cùng

(ĐTCK) Thực tế cho thấy, quá trình cổ phần hóa thời gian qua diễn ra chậm và đặc biệt, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài rất hạn chế do vẫn còn những vướng mắc.

E ngại rủi ro với khoản đặt cọc

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc triển khai cổ phần hóa trong 11 tháng đầu năm nay còn chậm, chưa đạt kế hoạch Chính phủ đề ra. Cụ thể, 11 tháng qua, có 39 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, với tổng giá trị thực tế là 81.084 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước chiếm 20.941 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới có 9 doanh nghiệp thực hiện IPO và chỉ thu về 1.821 tỷ đồng.

Đáng chú ý, mức độ tham gia của nhà đầu tư vào các đợt IPO còn rất hạn chế. Nguyên nhân được chỉ ra là do các quy định pháp lý bộc lộ không ít vướng mắc.

Như phản ánh của Nhóm công tác thị trường vốn - Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2017, theo quy định hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia các đợt IPO của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, hoặc các đợt Nhà nước thoái vốn tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa qua hình thức đấu giá, thì phải chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản đứng tên đại lý đấu giá là công ty chứng khoán.

Do e ngại về rủi ro đối tác trong quá trình chuyển tiền, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã hạn chế quy mô tham gia mua cổ phần trong các đợt bán đầu giá cổ phần tại Việt Nam.

Trong bối cảnh Việt Nam đang khởi động hàng loạt đợt IPO lớn cho năm tới, việc chậm trễ khắc phục vướng mắc trên được nhìn nhận là sẽ khó thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Nhằm khắc phục hạn chế này, các nhà đầu tư ngoại đề xuất hình thành cơ chế pháp lý cho phép tiền đặt cọc đấu giá cổ phần được phong tỏa ngay trên tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài mở tại ngân hàng lưu ký.

Để mở đường cho triển khai theo hướng này, cần ít nhất một thông tư hướng dẫn yêu cầu thành viên lưu ký, ngân hàng lưu ký của nhà đầu tư nước ngoài phải tự động phong tỏa số tiền đặt cọc ngay khi công ty chứng khoán khởi tạo các giao kết với thành viên lưu ký cho đến khi có kết quả đấu giá. Điều này giúp xóa bỏ rủi ro đối tác, tạo cơ hội thu hút các nhà đầu tư ngoại tham gia các đợt IPO.

Liên quan đến việc tham gia các giao dịch thoái vốn, theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Quan hệ Chính phủ, Ngân hàng Citibank, mặc dù cơ quan chủ quản ủng hộ phương thức chấp nhận bảo lãnh của ngân hàng, nhưng một số bộ, ngành vẫn tỏ ra ngần ngại việc bảo lãnh này, nhất là với những giao dịch giá trị lớn.

Một vướng mắc khác được các nhà đầu tư ngoại phản ánh, đó là sự vênh nhau trong hướng dẫn quy trình, quy chế mẫu cho các đợt IPO giữa doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và công ty không phải là doanh nghiệp nhà nước.

Chẳng hạn, số tiền đặt cọc trong mỗi đợt chào bán theo yêu cầu của các tổ chức phát hành là khác nhau. Điều này gây bối rối cho nhà đầu tư nước ngoài khi xem xét tham gia IPO. Họ cũng quan ngại về rủi ro đối tác như trên. Bởi trong mẫu giấy đăng ký tham gia đấu giá các công ty không phải là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa không yêu cầu nhà đầu tư cung cấp thông tin tài khoản tiền, thông tin về mã số giao dịch chứng khoán, dẫn đến nhà đầu tư, thành viên lưu ký, công ty chứng khoán phải thực hiện khối lượng công việc lớn để hoàn thiện hồ sơ nhà đầu tư trước khi tham gia IPO.

Việc phát hành sổ, hoặc giấy chứng nhận sở hữu chứng khoán đang tạo gánh nặng cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, khi họ phải hoàn thiện nhiều loại giấy tờ. Đó là chưa kể quy trình chuyển giao giấy chứng nhận giữa các bên tiềm ẩn nhiều rủi ro, tốn thời gian và chi phí.

Để khắc phục bất cập này, cần cho phép áp dụng cơ chế đăng ký, lưu ký tự động tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán, tương tự như quy định tại Thông tư 115/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 196/2011 hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Chờ nhà quản lý vào cuộc

Ghi nhận ý kiến của giới đầu tư, theo phản hồi của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), trong thông tư hướng dẫn Nghị định 126/2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH MTV do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, sẽ quy định cụ thể và sẽ sửa đổi quy chế đấu giá.

Để gỡ vướng cho nhà đầu tư ngoại tham gia IPO, đại diện Bộ Tài chính cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, ngoài hình thức đặt cọc, sẽ bổ sung hình thức ký quỹ bảo lãnh. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phối hợp với UBCK để có hướng dẫn cho các nhà đầu tư.

Mặt khác, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi NHNN đề nghị sửa đổi quy định về mở tài khoản đầu tư vốn gián tiếp theo cách thức khuyến khích nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, theo đại diện NHNN, chưa thể sửa đổi ngay. Do đó, hướng xử lý hiện tại là NHNN sẽ có hướng dẫn cụ thể về cách thức ký quỹ và bảo lãnh bằng VND hoặc bằng ngoại tệ đối với từng trường hợp để phần nào tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư ngoại khi tham gia IPO.

Tin bài liên quan