Theo đó, giá trị doanh nghiệp của BSR tại thời điểm 31/12/2015 được xác định là 72.879,91 tỷ đồng, tương đương 3,2 tỷ USD. Với mức định giá này, BSR sẽ là doanh nghiệp nhà nước lớn nhất từ trước đến nay được cổ phần hóa, vượt qua hàng loạt tên tuổi trước đó như Vietnam Airlines, Petrolimex, Sabeco, Habeco…
BSR hiện là đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, khởi công từ tháng 11/2005, sản xuất sản phẩm đầu tiên từ tháng 2/2009 và chính thức khánh thành vào tháng 1/2011 với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn/năm, chuyên sản xuất khí hóa lỏng LPG, propylene, polypropylene, xăng A92, A95, dầu hỏa, nhiên liệu phản lực, diesel, dầu nhiên liệu FO…
Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tài sản lớn nhất của BSR, là công trình trọng điểm quốc gia, được xây dựng với kỳ vọng nội địa hóa nguồn cung các sản phẩm hóa dầu, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu trong bối cảnh Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô, nhưng phải hoàn toàn nhập khẩu xăng dầu tinh chế từ nước ngoài với giá cao.
Vì vậy, ngay từ khi đi vào hoạt động, Nhà máy Dung Quất đã được nhận nhiều ưu đãi của Chính phủ, như kéo dài thời gian khấu hao nhà máy lên 20 năm, dài hơn 5 năm so với Báo cáo nghiên cứu khả thi ban đầu.
Một số nhà đầu tư cho rằng, “cơ chế điều tiết nguồn thu” mà Nhà máy lọc dầu Dung Quất được hưởng chính là lợi thế lớn của doanh nghiệp.
Cụ thể, nhà máy cũng được hưởng cơ chế ưu đãi thuế như: áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong thời gian 30 năm, trong đó miễn thuế hoàn toàn trong vòng 5 năm đầu, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo; giữ lại thuế nhập khẩu, cấp bù thuế (BSR được hưởng mức ưu đãi tính trong giá bán đối với xăng, dầu là 7%, LPG là 5% và sản phẩm hóa dầu là 3%. Chẳng hạn, nếu thuế suất nhập khẩu xăng dầu là 35% thì Dung Quất nộp 28%, nếu thuế giảm còn 20% thì Dung Quất chỉ nộp 13%).
"Cơ chế điều tiết nguồn thu” mà Nhà máy lọc dầu Dung Quất được hưởng chính là lợi thế lớn của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, động thái BSR đề xuất Chính phủ áp dụng cơ chế cạnh tranh bình đẳng cho sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất với xăng dầu nhập khẩu, hồi năm 2016, cho thấy, Công ty đã sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với thị trường. Kiến nghị của BSR đã được Chính phủ chấp thuận.
Theo Quyết định số 1725/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã bãi bỏ quy định về thu điều tiết, cấp bù đối với sản phẩm lọc hóa dầu tiêu thụ trong nước từ ngày 1/1/2017, nhằm trao cho BSR quyền tự chủ hoạt động theo quy luật thị trường.
Hiện BSR không được giữ lại phần thuế ưu đãi như trước, nhưng đồng thời cũng không phải đóng thuế nhập khẩu như xăng dầu nhập từ nước ngoài. Chính sách này nếu được vận dụng linh hoạt, nắm bắt tốt cơ hội, Công ty sẽ có lợi thế về giá do chênh lệch thuế.
Bên cạnh việc hoạt động theo cơ chế thị trường, trong chiến lược cổ phần hóa lần này, mục tiêu của BSR là tìm được một cổ đông chiến lược nước ngoài để tận dụng kinh nghiệm quản trị điều hành của họ, hỗ trợ Công ty đầu tư phát triển phân khúc hóa dầu và chế biến sâu nhằm mang lại hiệu quả cao trong tương lai.
Mặc dù cho đến nay, chưa có báo cáo tài chính chi tiết nào của BSR được công bố, nhưng theo BSR, kể từ khi đi vào hoạt động đến hết tháng 5/2017, sản lượng sản xuất luỹ kế của BSR đã đạt 47 triệu tấn với tổng doanh thu gần 40 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước trên 7 tỷ USD. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2017, BSR ghi nhận kết quả kinh doanh với doanh thu 35.400 tỷ đồng, hoàn thành 57,1% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch 1.600 tỷ đồng cho 2017.
Hiện tại, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang thực hiện dự án nghiên cứu mở rộng với tổng mức đầu tư khoảng 1,82 tỷ USD, trong đó 30% là vốn tự có và 70% là vốn vay (50% vay từ các ngân hàng thương mại nước ngoài và 50% vay trong nước từ các ngân hàng trong nước). Công suất sau nâng cấp sẽ tăng lên 8,5 triệu dầu thô/năm, đáp ứng tiêu chuẩn EURO 5 và chiếm khoảng 40% nhu cầu xăng dầu của cả nước.
Thông tin từ BSR cho biết, ngày 3/5/2017, Công ty đã phát hành thư mời mua cổ phần hóa gửi đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước và nhận được nhiều quan tâm, phản hồi.