Theo đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị O. (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), trong các năm 2008 và 2009, bà biết tin ALC1 chuyển đổi mô hình hoạt động từ công ty nhà nước thành công ty cổ phần và tham gia mua cổ phần khi IPO.
Bà O. đã đặt cọc để mua 5.000 cổ phần và trúng đấu giá với giá 10.500 đồng/cổ phần. Sau khi IPO kết thúc, bà O. đã nộp 52,5 triệu đồng để mua cổ phần. ALC1 đã cấp cho bà O. một giấy chứng nhận nộp tiền mua cổ phần.
Tuy nhiên, sau đó, ALC1 không tiếp tục thực hiện cổ phần hóa với lý do "kết quả 3 đợt đấu giá, số cổ phần bán được cho nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư khác không đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định về chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần".
Từ đó đến nay, mặc dù chưa hoàn tất cổ phần hóa, nhưng ALC1 cũng không trả lại tiền mua cổ phần cho bà O. Bà nhiều lần đến Công ty đòi tiền, nhưng không được giải quyết. ALC1 cũng không trả lời bà đến khi nào cổ phần hóa được.
Gần đây, bà O. biết thông tin ALC1 đang được chào bán công khai cổ phần trên trang thông tin điện tử doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư. Theo đó, bà O. tiếp tục đề nghị ALC1 phải hoàn trả số tiền mua cổ phần, mà không yêu cầu ALC1 phải trả lãi, cũng không yêu cầu phạt vi phạm và bồi thường.
Tại tòa án, đại diện ALC1 thừa nhận việc cổ phần hóa bị dừng như trình bày của nguyên đơn. Giải thích việc chậm trễ hoàn trả tiền cho nhà đầu tư, đại diện ALC1 cho biết, là do phải chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc dừng cổ phần hóa. Trước việc bà O. khởi kiện, đại diện ALC1 đề nghị tòa án xử lý theo pháp luật.
Trong quá trình giải quyết, tòa án xác định, đây không phải tranh chấp dân sự, mà là tranh chấp kinh doanh thương mại về mua bán cổ phần. Giao dịch được thực hiện từ năm 2009 và đến tháng 3/2018, ALC1 có văn bản xác nhận lại số tiền mua cổ phần của bà O. Tháng 7/2018, ALC1 tiếp tục có văn bản xác nhận số tiền mua cổ phần và khẳng định, Công ty có kế hoạch về nguồn vốn sẵn sàng hoàn trả những nhà đầu tư mua cổ phần ngay sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy, tòa án xác định vụ việc vẫn trong thời hạn khởi kiện.
Tòa án cho rằng, đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần kết hợp IPO, theo quy định tại các Nghị định 109/2007, Nghị định 59/2011, kể từ ngày được phê duyệt phương án cổ phần hóa, doanh nghiệp phải hoàn thành việc bán cổ phần trong 3 tháng.
Tuy nhiên, do tổng số cổ phần bán ra chỉ đạt 12% vốn điều lệ, chưa đạt mức tối thiểu 25% và từ cuối năm 2009 đến 30/6/2010, ALC1 thua lỗ trầm trọng, lỗ lũy kế lớn, mất hết số vốn nhà nước được xác định tại thời điểm cổ phần hóa, nên không thể tổ chức đại hội đồng cổ đông, không thể cổ phần hóa được. Hiện ALC1 đang chờ quyết định của cấp có thẩm quyền để chuyển từ phương án cổ phần hóa sang phương án bán toàn bộ.
Tòa án cũng xác định, trong giao dịch mua bán cổ phần này, ALC1 đã không thực hiện nghĩa vụ, không cổ phần hóa thành công, dẫn đến bà O. nhiều năm không được sở hữu cổ phần, không đạt được mục đích trở thành cổ đông của Công ty. Từ đó, tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà O., buộc ALC1 phải trả lại số tiền hơn 52 triệu đồng, ghi nhận việc bà O. không yêu cầu tính lãi, không yêu cầu phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại đối với ALC1.
ALC1 được thành lập năm 1998, là đơn vị hoạch toán độc lập trực thuộc Agribank, có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, được phép huy động vốn bằng 20 lần vốn điều lệ. Hoạt động chính là cho thuê tài chính, huy động vốn từ 1 năm trở lên, phát hành các giấy tờ có giá như trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu... có kỳ hạn trên 1 năm và các nghiệp vụ có liên quan theo quy định của pháp luật.
Năm 2008, ALC1 có kế hoạch IPO thông qua đấu giá hơn 5 triệu cổ phần với mức khởi điểm 10.500 đồng/cổ phiếu. Dự kiến sau khi hoàn tất IPO, vốn điều lệ sẽ tăng 350 tỷ đồng. Tuy nhiên, phiên IPO ALC1 không thành công khi tỷ lệ bán ra không đạt mức tối thiểu 20% vốn điều lệ.