Giấc mơ có tên gọi IPO
Giữa năm 2020, dù những thông tin xấu về tình hình đại dịch Covid-19 đang bủa vây nền kinh tế thế giới, hãng cung cấp dịch vụ thanh toán của ví điện tử Alipay thuộc Tập đoàn Ant Group (Trung Quốc) vẫn trong tiến trình chuẩn bị IPO với quy mô khổng lồ.
Theo đó, Tập đoàn Ant Group đã nộp đơn đăng ký IPO song song trên cả thị trường Hồng Kông và Thượng Hải nhằm thực hiện tham vọng mở rộng mảng dịch vụ tài chính, đồng thời củng cố vị thế là một nền tảng thanh toán trực tuyến lớn nhất Trung Quốc hiện nay.
Tại thời điểm đó, Alipay nhắm tới mục tiêu định giá vào khoảng 225 tỷ USD, dựa trên đợt IPO khoảng 30 tỷ USD nếu thị trường thuận lợi. Bernstein ước tính, giá trị của Ant sẽ tăng lên khoảng 210 tỷ USD so với 150 tỷ USD tại thời điểm 2 năm trước nếu IPO thành công.
Đây được coi là cơ hội để huy động các khoản vốn khổng lồ từ các quỹ đầu tư tư nhân của Mỹ, trong đó có Silver Lake Management LLC, Warburg Pincus LLC và Carlyle Group. Được biết, số vốn đầu tư tổng cộng của các quỹ trên vào Alipay năm 2018 đã vượt qua 500 triệu USD, ngoài ra, Credit Suisse Group cũng đã đổ 100 triệu USD vốn vào đây.
Dù cuộc IPO này đã bị cơ quan quản lý Trung Quốc hoãn lại trên cả 2 sàn chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông, nhưng thông tin vụ IPO ầm ĩ này khiến các công ty Fintech và startup Việt rộn ràng.
Về lý thuyết, khi thành lập, các ông chủ đều mong muốn doanh nghiệp của mình có thể phát hành IPO và niêm yết trên sàn chứng khoán để “song hành” cùng các doanh nghiệp lớn.
Viễn cảnh của Alipay cho thấy, IPO là một cột mốc quan trọng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp có thể huy động được một lượng vốn đầu tư khổng lồ để mở rộng kinh doanh.
Các công ty đại chúng với thông tin được công khai và có tính tin cậy cao hơn, có thể tiếp cận với nguồn vốn rẻ và do đó, có thể thu hút các nguồn lực chất lượng cả về nhân lực, kỹ thuật và vốn.
Đồng thời, sự tín nhiệm của doanh nghiệp tốt lên trong mắt công chúng, nhà cung cấp và khách hàng, giúp nâng cao sức cạnh tranh.
Rõ ràng, IPO là một trong những việc cần thiết phải thực hiện nếu doanh nghiệp muốn thành công hơn, đi xa hơn… Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn đang là một thách thức, bởi những ràng buộc về pháp lý và cả những vấn đề đến từ nội tại, nhất là với các startup trong lĩnh vực Fintech.
Để thu hút được nguồn vốn, phải có niềm tin của nhà đầu tư vào mảng kinh doanh này, nhưng bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc, lãnh đạo Bộ phận Dịch vụ tài chính và Tư vấn công nghệ của EY Việt Nam, Phó chủ tịch Câu lạc bộ VietFinTech cho biết, chỉ có 20% startup trong lĩnh vực Fintech sống được và có lợi nhuận.
“Có người đã nói ‘sứ mệnh của startup Fintech sinh ra là để chết’”, bà Dương chia sẻ.
Đó là chưa kể đến nếu có sai sót, cái giá phải trả khi IPO là không nhỏ. Cụ thể, để IPO, doanh nghiệp phải công khai, công bố thông tin, khi đó, những nhân sự chủ chốt, cũng như điểm yếu tài chính có thể bị lộ và đối thủ sẽ khai thác được.
Ngoài ra, tại Việt Nam, các doanh nghiệp IPO còn phải xác định được khả năng tăng giá của cổ phiếu, bởi các cổ đông thường tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn hơn là phát triển dài hạn.
Các nhà đầu tư Việt thường thích “lướt sóng”, nên mong muốn có sự gia tăng liên tục về giá cổ phiếu để kiếm lời nhanh chóng.
Điều này tạo áp lực lớn cho các lãnh đạo công ty khởi nghiệp, làm sao tăng thu nhập hiện tại và chỉ được dành ít nguồn lực cho các khoản đầu tư chiến lược mang tính chất dài hạn.
IPO, câu chuyện tương lai
Có thể thấy, bên cạnh cơ hội đổi đời, thì rủi ro cũng luôn rình rập các startup Fintech khi có ý định thực hiện IPO.
Chẳng hạn như với trường hợp Alipay nói trên. Với những ầm ĩ trong kế hoạch IPO, cùng với những phát ngôn của Chủ tịch Tập đoàn Ant Group, 4 cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc, đứng đầu là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã có cuộc gặp với các lãnh của Ant Group.
Tại cuộc gặp, nhóm lãnh đạo của Ant Group đã được thông báo rằng công ty sẽ đối mặt với sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn và chịu ràng buộc về vốn cũng như đòn bẩy tương tự như các ngân hàng.
Ngoài ra, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một chuyên gia tài chính - công nghệ cho biết, các công ty Fintech cần có thời gian để thiết lập quản trị tốt. Chẳng hạn, các startup khi có ý định IPO cần phải thông báo lộ trình cho công chúng, trong đó có cả các đối thủ.
Dù hoạt động kinh doanh khá tốt, được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhưng Ví MoMo chưa có ý định IPO để huy động vốn. |
Các doanh nghiệp nhỏ thường được điều hành như công ty gia đình, kém minh bạch, gần như không tiết lộ chi tiết tài chính hoạt động, chiến lược hoạt động cũng như các hoạt động phúc lợi…
Tuy nhiên, khi một công ty khởi nghiệp trở thành đại chúng sẽ phải công khai các thông tin trên và đối mặt với thách thức không nhỏ trước các ý kiến trái chiều của hàng ngàn cổ đông, do vậy cần sớm thiết lập mô hình quản trị chuẩn.
“Các công ty Fintech, startup thường huy động vốn từ các công ty đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư lớn thay vì biến nó thành công ty đại chúng. Việc sử dụng nguồn vốn trên tất nhiên vẫn có kiểm soát, nhưng mấy anh em ‘trùm chăn vật nhau’ vẫn khác so với việc có hàng trăm con mắt theo dõi, kiểm soát”, vị chuyên gia tài chính, công nghệ trên nói.
Bên cạnh đó, với mục tiêu thu hút nguồn vốn lớn cho phát triển kinh doanh, các công ty đại chúng luôn có nguy cơ bị thâu tóm. Cho dù thân thiện hay thù địch, người đứng đầu doanh nghiệp có thể có nguy cơ mất quyền điều hành và kiểm soát kinh doanh.
“Thị trường hiện nay có một số công ty Fintech hoạt động kinh doanh khá tốt như VNPAY, MoMo... Trong đó, VNPAY đang giải quyết câu chuyện cổ đông để đảm bảo những người sáng lập không bị ‘đá văng ra ngoài’ giống như đã từng xảy ra tại Coteccons”, chuyên gia này chia sẻ.
Thực tế từ những người sáng lập cho thấy, đây hầu hết là những người không phù hợp với hình ảnh của một công ty đại chúng. Nhiều người sáng lập không thoải mái trước viễn cảnh tiếp xúc với các nhà phân tích, đáp ứng các yêu cầu về báo cáo pháp lý và đáp ứng trả lời các câu hỏi hay yêu cầu của các cổ đông.
Những người sáng lập startup cũng nhận thức sâu sắc về quyền lực bị giảm trong một công ty đại chúng, hay cảm thấy bức bí khi phải duy trì hình ảnh và các mối quan hệ một cách chuẩn mực…
Bà Dương cho biết, khi đề nghị công ty Fintech trình bày ý tưởng xem công nghệ công ty này có là gì, thì nhận được sự từ chối, bởi công ty Fintech thường chỉ có 1 “viên đạn”, khi đã “bắn” ra nghĩa là hết.
“Tốn kém rất nhiều chi phí để IPO nhưng doanh nghiệp cũng có thể chịu nhiều thiệt hại trước sự biến động của thị trường chứng khoán, chứ không phải vấn đề nội tại của doanh nghiệp. Đó là chưa tính đến câu chuyện hầu hết các công ty Fintech đều đang kinh doanh thua lỗ, nên có niêm yết cũng khó thuyết phục nhà đầu tư mua cổ phiếu”, giám đốc một công ty Fintech thừa nhận.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoài Ân, Trưởng phòng Phân tích Merlin Capital cho biết, tại Việt Nam, tỷ lệ các doanh nghiệp mới huy động được vốn qua sàn chứng khoán rất thấp. Chẳng hạn, trong năm 2019, có 1.674 công ty trên sàn huy động được 93.000 tỷ đồng, nhưng 80% số này đổ vào 10 công ty lớn. Vì vậy, cần xác định mục tiêu IPO, lên sàn là huy động vốn hay là gì?
Trước câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán về kế hoạch niêm yết MoMo trên sàn chứng khoán, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch, đồng sáng lập Ví MoMo cho biết: “Đó là câu chuyện của tương lai”.