Cụ thể, iPhone Xs đang được bán với giá 22,5 triệu cho phiên bản 64 GB trong khi iPhone Xs Max là 25 triệu đồng với bản 256 GB - mức này rẻ hơn 4 đến 5,5 triệu đồng so với bản quốc tế tương ứng.
Với bản dung lượng cao hơn, iPhone Xs khóa mạng có giá 25 triệu đồng cho 256 GB và 30 triệu đồng với 521 GB trong khi Xs Max cao hơn khoảng 2 triệu đến 3 triệu đồng.
Một chủ cửa hàng kinh doanh iPhone xách tay trên đường Lê Hồng Phong (quận 5, TP HCM) cho biết, khoảng một tuần nay lượng khách mua bản khóa mạng của bộ đôi iPhone mới nhiều hơn, đạt 10 đến 15 máy mỗi ngày trên toàn hệ thống.
Theo người này, việc iPhone Xs, Xs Max khóa mạng có sức hút là do mức giá rẻ hơn vài triệu đồng so với bản quốc tế.
Tuy nhiên, người mua chủ yếu tìm đến mặt hàng này là nhờ ICCID - đoạn mã có thể kết hợp với sim ghép để "hô biến" iPhone khóa mạng thành máy sử dụng như bản quốc tế.
iPhone Xs lock được rao bán trên các trang rao vặt.
Đây là đoạn mã từng được chia sẻ rầm rộ vào tháng 7 vừa qua, iPhone lock sau khi sử dụng không bị lỗi danh bạ, kiểm tra tài khoản (bấm *101#), hiển thị danh bạ, Facetime hay những lỗi khác. Đến nay, lỗi vẫn chưa được Apple can thiệp và vẫn hoạt động tốt trên bộ đôi iPhone mới nhất.
Theo anh Trần Hưng (quận 7, TP HCM), một kỹ thuật viên chuyên sửa iPhone, người dùng vẫn gặp phải những phiền phức nhất định khi sử dụng iPhone dạng này.
"Về cơ bản, bạn vẫn đang dùng iPhone khóa mạng, đồng nghĩa với những phiền phức gặp phải như không thể khôi phục cài đặt gốc hay nâng cấp lên phiên bản iOS mới. Đó là chưa kể máy có nguy cơ biến thành 'cục gạch' do Apple khóa mã ICCID bất cứ lúc nào", anh Hưng cho biết.
Mã ICCID là dãy số gồm 20 chữ số chứa thông tin của nhà mạng được nạp vào chip sim (nằm sau mặt sim), có thể dựa vào dãy số này thêm bất kỳ số điện thoại nào vào sim trắng (sim chưa có số) để sử dụng.
Thông thường, iPhone bán kèm hợp đồng nhà mạng sẽ sử dụng sim của riêng nhà mạng đó. Nói cách khác, iPhone chỉ tương thích với dải ICCID đã đăng ký của nhà mạng này.
Việc sử dụng sim ghép trước ở các iPhone đời cũ nhằm mục đích là tạo một ICCID giả nằm trong dải mã của nhà mạng ban đầu, từ đó qua mặt hệ thống Apple để sử dụng mạng của nhà cung cấp khác. Người dùng cần giữ nguyên sim ghép trong máy, không thể tháo rời.
Tuy nhiên, các mã ICCID mới lan truyền trên Internet mới đây chỉ cần dùng sim ghép một lần duy nhất và ICCID để "hô biến" hàng khóa mạng thành quốc tế mà không cần tới nhà mạng.
iPhone sau đó vẫn dùng như phiên bản quốc tế mà không cần sim ghép nhưng không được khôi phục cài đặt gốc hoặc nâng cấp iOS mới.