IoT Innovation Hub, ươm tạo tài năng Việt

IoT Innovation Hub, ươm tạo tài năng Việt

(ĐTCK) “Ý tưởng là một loại phương tiện di chuyển, một chiếc xe mà bạn có thể sử dụng để đưa bạn từ bất cứ nơi nào bạn đang ở đến bất cứ nơi nào bạn muốn đi” - Brian Tracy. 

Đất tốt để gieo hạt

Một ngày trung tuần tháng 5, đúng thời điểm Hà Nội bước vào đợt nắng nóng nhất trong năm 2019, tôi có dịp được trải nghiệm không gian sáng tạo IoT đầu tiên của Việt Nam, nơi được kỳ vọng và đang bước đầu là địa chỉ ươm tạo những tài năng cho lĩnh vực còn nhiều mới mẻ: Internet vạn vật - IoT.

Có mặt tại khu demo và phát triển sản phẩm của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo về Internet vạn vật (IoT Innovation Hub), trước mắt tôi là một không gian làm việc mở, đậm chất công nghệ.

Góc này là chiếc bàn lớn với la liệt những thiết bị, con chip, mô hình, góc kia là cánh tay robot kết nối với hệ thống cảm biến, góc khác là mô hình chiếu sáng đường phố, mô hình bãi đỗ xe, quan trắc…

Điều thú vị, tất cả đều gắn với hai từ thông minh và kết nối. Có lẽ, đó cũng chính là hai nội dung cốt yếu nhất ở trung tâm đổi mới, sáng tạo này.

IoT Innovation Hub, ươm tạo tài năng Việt ảnh 1

Gặp anh Phùng Công Định, Trưởng phòng Phát triển dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc khi anh và một cộng sự đang làm việc bên một thiết bị bay quan trắc tự động, được ứng dụng IoT, anh hào hứng chia sẻ, việc đưa vào sử dụng thiết bị này sẽ giúp các hộ dân trồng cà phê dễ dàng phát hiện vùng sâu bệnh một cách nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian, công sức.

Theo đó, khi đưa vào sử dụng, các thiết bị bay quan trắc được lập trình và bay, quét theo các cung đường định sẵn của một diện tích cây trồng nhất định. Thiết bị sẽ báo về cho trung tâm xử lý dữ liệu khi phát hiện các khu vực sâu bệnh, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.

Dù mới được thành lập, nhưng IoT Innovation Hub đã cho thấy đây là một mảnh đất tốt để gieo hạt ý tưởng đổi mới sáng tạo, những công việc mà Trung tâm đang triển khai và dự định rất nhiều. Anh Định cho biết, nhân sự của chỉ có 8 người, nhưng các hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ đã được ráo riết triển khai ngay sau khi Trung tâm đi vào hoạt động.

IoT Innovation Hub, ươm tạo tài năng Việt ảnh 2

“Chúng tôi đang mở các khóa đào tạo để những người tham gia nghiên cứu hiểu được công nghệ, nền tảng mà chúng tôi cung cấp. Sau đó, chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc thi về IoT để hiện thực hóa các ý tưởng nghiên cứu”, anh Định nói.

Cuộc thi sáng tạo IoT đang mang đến sự hào hứng cho không ít bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên ngành công nghệ. Dự kiến, trong tháng 6/2019, Ban tổ chức sẽ công bố về cuộc thi này, đến tháng 8 công bố các ý tưởng được duyệt, ươm tạo, đến tháng 11 chấm các sản phẩm hoàn thiện, sau đó công bố sản phẩm, tìm kiếm nhà đầu tư để thương mại hóa.

Đối tượng mà cuộc thi hướng tới là sinh viên, các nhà nghiên cứu trẻ, các nhóm khởi nghiệp. Tiêu chí lựa chọn là dự án có ý tưởng đột phá, có tính khả thi cao. Trung tâm sẽ hỗ trợ các chủ sở hữu ý tưởng hoàn thiện công nghệ để có thể ra được sản phẩm cuối cùng (ở quy mô thử nghiệm, quy mô nhỏ).

Phương thức hoạt động của các thiết bị của IoT Innovation Hub là ghi nhận dữ liệu, mã hóa, chuyển về trung tâm, phân tích bằng dữ liệu lớn. Tuy nhiên, năng lực kết nối còn phụ thuộc nhiều vào việc kích hoạt sóng 5G.

Hiện tại, các nhóm chủ đề tài đều nhận được sự hỗ trợ, có thể nói là tới mức tối đa từ IoT Innovation Hub, từ việc góp ý ý tưởng, tư vấn giải pháp cho đến việc hỗ trợ thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động nghiên cứu. Hàng tuần, các cán bộ của Trung tâm đều có các cuộc làm việc, trao đổi trực tiếp hoặc hỗ trợ từ xa cho các học viên.

Trong năm 2019, IoT Innovation Hub tập trung vào hai nhiệm vụ chính là tạo nền tảng sáng tạo về IoT, ươm tạo và đưa những sản phẩm đầu tiên ra mắt công chúng. Sang năm 2020, Trung tâm sẽ tập trung phát triển các sản phẩm lõi, hỗ trợ các startup khi khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp và thương mại hóa sản phẩm.

Đẩy mạnh ứng dụng, hỗ trợ khởi nghiệp

Không chỉ trực tiếp nghiên cứu, hỗ trợ các ý tưởng đổi mới sáng tạo gắn với Internet vạn vật, Trung tâm IoT Innovation Hub còn đang bước đầu đưa các sản phẩm vào thực tế để tiếp tục cải tiến, nâng cấp.

IoT Innovation Hub, ươm tạo tài năng Việt ảnh 3

Anh Tô Văn Thảo, đại diện Đoàn Thanh niên Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, Đoàn Thanh niên và Trung tâm đã phối hợp đưa sản phẩm nghiên cứu vào sử dụng thực tế, cụ thể là mô hình tưới nhỏ giọt ứng dụng IoT cho bà con nông dân trồng cam huyện Na Rì, Bắc Kạn và sắp tới là hệ thống tưới nước tự động cho mô hình trồng dâu tây ở Lai Châu.

“Kết hợp các chương trình thiện nguyện để triển khai các sản phẩm vào đời sống là cách làm hiệu quả mà Đoàn Thanh niên và Trung tâm đang thực hiện. Các sản phẩm nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người nông dân, giúp cải thiện được năng suất. Với bà con nông dân vùng cao, việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn nước có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt khi bước vào mùa khô. Thiết bị và giải pháp của Trung tâm đã giải quyết tốt các vấn đề này”, anh Thảo chia sẻ.

Hiện tại, Trung tâm đang hỗ trợ triển khai 5 dự án về IoT, trong đó 3 dự án phát triển các robot giúp ích con người, 2 dự án liên quan đến quan trắc. Dù chưa được công bố vì đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng theo anh Định, đây đều là các ý tưởng tiềm năng và sẽ mang lại giá trị cao cho cộng đồng khi đưa vào sử dụng.

Xác định rõ IoT Innovation Hub là nơi nhận và hỗ trợ các ý tưởng về IoT, biến các ý tưởng thành sản phẩm thực tế, đóng góp cho sự phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam, nên dù hiện chỉ có 8 thành viên, trong đó có 5 thành viên được chính đối tác Ericsson đào tạo, các cán bộ của Trung tâm đang nỗ lực để có thể hỗ trợ nhiều nhất các ý tưởng, các bạn trẻ mong muốn khởi nghiệp bằng IoT.

Xác định tự lực, Trung tâm chọn cho mình một hướng đi riêng, trước mắt là sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ từ phía đối tác (chưa dùng đến ngân sách nhà nước). Thời gian tới, Trung tâm sẽ tìm cách huy động để xã hội hóa, nhận tài trợ cho các dự án theo hướng huy động từ các đại sứ quán, các doanh nghiệp.

IoT Innovation Hub, ươm tạo tài năng Việt ảnh 4

“Vì là lĩnh vực mới nên đan xen có cả sự hào hứng và tâm lý e dè, nhưng chúng tôi rất lạc quan, bởi khi đã ươm tạo được những doanh nghiệp đầu tiên, hỗ trợ để họ lớn mạnh, tôi tin sau này họ sẽ đóng góp trở lại và hỗ trợ nhiều hơn cho Trung tâm”, anh Định nói.

Những kỳ vọng   

IoT Innovation Hub có 3 mục tiêu chính là hỗ trợ nền tảng sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp; nền tảng hỗ trợ học tập và giáo dục; nền tảng nghiên cứu và phát triển, đẩy nhanh tiến độ của Việt Nam về Internet vạn vật trong cách mạng công nghệ 4.0.

IoT Innovation Hub có 3 mục tiêu chính là hỗ trợ nền tảng sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; nền tảng hỗ trợ học tập và giáo dục; nền tảng hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D), tập trung đẩy nhanh tiến độ của Việt Nam về Internet vạn vật trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Trung tâm được kỳ vọng sẽ là nơi kết nối giữa các trường đại học, trung tâm nghiên cứu phát triển, các dự án sản xuất công nghệ cao của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tập đoàn lớn như Viettel, VNPT, FPT, Vingroup, VKIST, Nissan Techno, NIDEC, Hanwha đang và sẽ hoạt động tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Sự ra đời của IoT Innovation Hub nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ Thụy Điển, Công ty Ericsson (Thụy Điển). Trung tâm cũng thể hiện rõ quan điểm hỗ trợ đổi mới sáng tạo của Thụy Điển với Việt Nam.

Trước đó, chia sẻ với người viết, ông Pereric H-gberg, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết: “Khu vực Bắc Âu nói chung và Thụy Điển nói riêng luôn mong muốn, dám chấp nhận thách thức và thay đổi. Chúng tôi là một trong những khu vực đổi mới, sáng tạo nhất trên toàn cầu và sẵn sàng chia sẻ điều đó với Việt Nam.

Đổi mới, sáng tạo ở Thụy Điển có truyền thống từ hàng trăm năm nay, chúng tôi luôn cởi mở và tìm kiếm những ý tưởng mới, sáng tạo từ bên ngoài để đưa vào cuộc sống.

Tôi muốn chia sẻ rằng, chúng tôi luôn mang tâm thế chào đón những thay đổi, đổi mới, sáng tạo. Từ phía Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp đều hiểu được việc này sẽ giúp chúng tôi luôn ở trong vị trí cạnh tranh, có thể đưa được những công nghệ, giải pháp mới nhất vào trong cuộc sống cũng như định hướng phát triển doanh nghiệp. Chúng tôi cũng có truyền thống, nền tảng mà ở đó người dân cũng như doanh nghiệp có văn hóa mong muốn được tìm hiểu công nghệ, đổi mới và áp dụng nó”.

Theo ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, việc thiết lập và đưa vào vận hành Trung tâm sẽ góp phần thúc đẩy sự hợp tác giữa Việt Nam - Thụy Điển, góp phần xây dựng nền tảng ban đầu cho hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Từ góc nhìn khác, ông Denis Brunetti, Tổng giám đốc Ericsson tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào thấy được tiềm năng to lớn cho việc phát triển kinh tế, trong đó công nghệ là bệ phóng.

“Việc thiết lập Trung tâm cho thấy tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nhằm thúc đẩy làn sóng tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội mới của đất nước. Trung tâm sẽ khuyến khích sự tham gia của hệ sinh thái hợp tác giữa Chính phủ, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu hướng đến “Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam”, ông Denis Brunetti nói.              

Tin bài liên quan