Theo CNN, kết quả này là một bước lùi cho các hãng công nghệ, vốn đang chịu sức ép lớn từ các cơ quan quản lý châu Âu trong việc xử lý thông tin cá nhân và các nội dung vi phạm.
"Đây là tín hiệu tốt cho ngành công nghiệp sáng tạo ở châu Âu", nghị sĩ Axel Voss nhận xét. Nhóm ủng hộ, gồm 165 nhà làm phim và biên kịch, trong đó có đạo diễn Mike Leigh, ca sĩ Paul McCartney, cho rằng luật cải cách về bản quyền sẽ lấy lại sự cân bằng quyền lực giữa các nhạc sĩ, nhà làm phim, nhà xuất bản... với bên kia là Big Tech - những công ty công nghệ lớn.
Trong khi đó, theo nghị sĩ Julia Reda, quyết định là "một cú đánh mạnh mẽ đối với Internet tự do, cởi mở" và cơ quan lập pháp châu Âu đã đặt "lợi nhuận doanh nghiệp lên tự do ngôn luận".
Ủy ban châu Âu khởi động việc thảo luận gói cải cách bản quyền từ năm 2016. Nghị viện châu Âu hồi tháng 7 từ chối thông qua do những tranh cãi liên quan đến Điều 11 và Điều 13.
Điều 11 yêu cầu công ty Internet phải trả tiền cho các nghệ sĩ, báo chí... khi sử dụng các tác phẩm của họ. Điều 13 yêu cầu một số công ty chặn người dùng sử dụng các tác phẩm có bản quyền mà chưa được sự cho phép.
Đến ngày 12/9, Nghị viện thay đổi quyết định với 438 phiếu thuận khi hai Điều này được điều chỉnh nội dung, trong đó đảm bảo các nền tảng nhỏ không bị ảnh hưởng.
Luật bản quyền mới còn phải trải qua đợt bỏ phiếu cuối cùng vào tháng 1/2019 trước khi được chính thức thông qua, nhưng nhìn chung mang lại nhiều lợi ích hơn cho các nghệ sĩ và các đơn vị xuất bản, trong khi làm tăng thêm chi phí cho các công ty công nghệ.
Internet không còn 'mở'
Với Điều 13, các công ty Internet lớn như Facebook, YouTube sẽ cần phát triển công nghệ nhận diện nội dung, hay các bộ lọc, để ngăn người dùng đăng và chia sẻ những thông tin có bản quyền.
Nhóm phản đối cho rằng những bộ lọc tự động như vậy chẳng khác nào công cụ giám sát và làm ảnh hưởng đến sự tự do chia sẻ thông tin. "Bất cứ thứ gì bạn muốn đăng lên đầu tiên sẽ phải được các bộ lọc này chấp thuận", Julia Reda, nhà lập pháp Đức, cho hay, "Các nội dung vốn được cho là hợp pháp như ảnh chế, video nhại... sẽ bị mắc kẹt ở giữa".
"Facebook hay Google không có tòa soạn riêng, cũng không có các nhà báo sẵn sàng mạo hiểm tính mạng ở Syria hay có những biên tập viên phụ trách việc kiểm duyệt, xác thực thông tin mà phóng viên thu thập được", các cơ quan báo chí châu Âu chia sẻ.
Thế nhưng, 60-70% doanh thu của họ đang đến từ quảng cáo, phần lớn trong số đó là nhờ công sức của người khác.
Những bức ảnh chế (meme) hay clip nhái (parody) chủ yếu lấy hình ảnh từ phim, game, chương trình truyền hình, video ca nhạc có bản quyền rồi được chế lại, thêm thắt bình luận... để truyền tải một thông điệp mới.
Antonio Guillem, tác giả bức ảnh chàng trai "đứng núi này trông núi nọ" được sử dụng rất nhiều trong các meme, chia sẻ trên Business Insider: "Sử dụng bất kỳ hình ảnh nào mà không mua bản quyền dưới mọi hình thức đều không được phép. Nhưng chúng tôi không quá lo lắng bởi họ chỉ là những người dùng nội dung với mục đích vui vẻ".
Bức ảnh Antonio Guillem thường xuyên được người dùng Internet chế ảnh, nhất là khi một sản phẩm mới ra đời.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng luật bản quyền của châu Âu khi được ban hành "sẽ thay đổi Internet mãi mãi".
Giữa năm nay, một nhóm 70 chuyên gia, trong đó có "cha đẻ" Internet Vint Cerf, "cha đẻ" World Wide Web Tim Berners-Lee và nhà sáng lập Wikipedia Jimmy Wales, đã ký vào thư phản đối Điều 13. Thư có nội dung: "Yêu cầu các nền tảng Internet tự động lọc nội dung người dùng tải lên, Điều 13 có thể biến Internet từ nền tảng mở, chia sẻ và sáng tạo thành công cụ kiểm soát người dùng một cách tự động".
Ngược lại, nhà lập pháp Axel Voss cho rằng phe phản đối đang nói quá lên và "không ai lọc Internet cả".
Bên cạnh đó, bản thân YouTube/Google hiện cũng đã có sẵn hệ thống Content ID, trong đó YouTube quét video mà người dùng tải lên, nếu thấy hình ảnh, âm thanh... trùng với những nội dung có bản quyền trong cơ sở dữ liệu, hệ thống sẽ gửi cảnh báo đến người đăng và video bị gỡ xuống.
Chia sẻ doanh thu
Trong khi đó, các hãng công nghệ cũng tích cực vận động chống lại Điều 11 của Luật bản quyền châu Âu. Cụ thể, các công ty Internet phải trả tiền cho các nghệ sĩ khi sử dụng các tác phẩm của họ, hay dịch vụ như Google News phải chia sẻ doanh thu cho nhà xuất bản để hiển thị nội dung.
Trước đó, từ năm 2017, 9 cơ quan báo chí lớn nhất châu Âu, trong đó có AFP, AP, DPA, đã cùng kêu gọi Liên minh châu Âu phê chuẩn luật buộc các hãng dịch vụ Internet như Facebook, Google trả phí cho nội dung tin tức.
"Facebook hay Google không có tòa soạn riêng, cũng không có các nhà báo sẵn sàng mạo hiểm tính mạng ở Syria hay có những biên tập viên phụ trách việc kiểm duyệt, xác thực thông tin mà phóng viên thu thập được", các cơ quan báo chí châu Âu chia sẻ.
Thế nhưng, 60-70% doanh thu của họ đang đến từ quảng cáo, phần lớn trong số đó là nhờ công sức của người khác.
Cuộc chiến giữa các nhà xuất bản và nền tảng mạng xã hội đang ngày càng tăng sức nóng khi người dùng bắt đầu chuyển từ máy tính sang thiết bị di động để theo dõi tin tức. Theo thống kê của Pew, số người chọn đọc tin trên thiết bị di động đã tăng lên 65% trong năm 2017.
Năm 2015, Facebook công bố Instant Articles, cho phép các nhà xuất bản lưu nội dung di động trên máy chủ của Facebook để người dùng mạng xã hội có thể mở bài báo tức thì.
Tuy nhiên, công cụ này lại gây thiệt hại không nhỏ cho các tòa soạn vì chúng loại bỏ đường link gốc, những nội dung liên quan cuối bài, không hiển thị bình luận của độc giả... khiến doanh thu báo chí sụt giảm. Một loạt tờ báo lớn như New York Times, Guardian, Hearst... đã ngừng sử dụng Instant Articles.
"Mọi người muốn tiếp cận những tin tức chất lượng và các nội dung sáng tạo trên mạng. Chúng tôi vẫn luôn nói rằng đổi mới và hợp tác hơn nữa mới là cách tốt nhất để xây dựng một tương lai bền vững cho báo chí và các nhà sáng tạo châu Âu", Google phát biểu sau khi luật được bỏ phiếu.
Hiệp hội Công nghiệp Truyền thông và Máy tính, trong đó có các thành viên như Amazon, eBay, Pandora..., cũng đang tiến hành chiến dịch chống lại luật.
Trong khi đó, Facebook chưa đưa ra bình luận nào.