Tinh thần sáng tạo khởi nghiệp mạnh mẽ và tầm nhìn dài hạn
Ingvar Kamprad sinh năm 1926 tại Smaland, miền Nam Thụy Điển. Từ nhỏ, cậu bé Ingvar luôn bị cuốn hút bởi những gì mọi người có thể thực hiện được bằng đôi bàn tay. Lúc lên 5, Ingvar đã là một “nhà buôn” khi thực hiện những thương vụ nhỏ như bán diêm, hay cá do chính mình câu từ hồ gần nhà.
Năm 17 tuổi, Ingvar thành lập IKEA, một công ty bán hàng qua thư, nơi đã trở thành sự cam kết trọn đời của ông. Ingvar bị thúc đẩy bởi một tinh thần doanh nhân mạnh mẽ và mối quan tâm đặc biệt đến điều kiện sống của mọi người. Ông cho rằng, ai cũng xứng đáng có một cuộc sống tốt đẹp hơn và IKEA có thể đáp ứng nhu cầu, ước mơ của họ ở nhà, thậm chí với những nguồn lực khiêm tốn. Mong muốn của ông là tạo ra một cuộc sống hàng ngày tốt đẹp hơn cho nhiều người.
Từ một căn nhà nhỏ ở làng quê Agunnaryd, miền Nam Thụy Điển, IKEA ngày nay trở thành một doanh nghiệp với doanh số bán hàng lên tới 38 tỷ Euro mỗi năm và sử dụng hơn 194.000 “co-worker” (“đồng nghiệp” là cách Ingvar gọi nhân viên của mình) tại 403 cửa hàng ở 49 quốc gia. Ingvar Kamprad luôn tự hào nói: “Tài sản lớn nhất của tôi là toàn thể nhân viên”.
Ingvar tiên phong trong việc tạo ra các sản phẩm nội thất kiểu “flat pack” (sản phẩm tự lắp ráp được tháo rời và đóng gói trong thùng carton), đồ nội thất của Kamprad trở nên nổi tiếng không chỉ với thiết kế sáng tạo, đơn giản, mà còn vì giá thành thấp. Ông cũng tiên phong trong phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu (một sản phẩm có thể được sản xuất hàng loạt bởi nhiều nhà cung cấp tại nhiều quốc gia). Điều này giảm thiểu đáng kể chi phí vận chuyển từ nhà máy đến cửa hàng bán lẻ, làm giảm hư hỏng do vận chuyển. Nhờ đó, lợi ích do giảm chi phí vận chuyển sản phẩm được chia sẻ cho khách hàng.
Chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Ingvar Kamprad đặt biệt chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Ông thường nói: “Tính trung thực có lẽ quan trọng hơn bất kỳ điều nào khác trong IKEA” và cho rằng, làm việc chăm chỉ, tiết kiệm là đạo đức công việc mà nhân viên của mình phải thấm nhuần. IKEA đã xây dựng văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ và đặc sắc bằng việc tập trung đào tạo nhân viên, am hiểu thiết kế và tích cực giúp đỡ cộng đồng.
Trong cuốn “Kinh Thánh của một nhà kinh doanh nội thất” viết năm 1976, ông nhắc nhở các nhân viên: “chỉ khi ngủ người ta mới không có sai sót, sợ phạm sai lầm là gốc rễ của quan liêu và là kẻ thù của phát triển”, “việc lệ thuộc cứng nhắc trong lập kế hoạch là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra cái chết của công ty”…
Ingvar nói: “Trải nghiệm thực tế là phương pháp làm việc hiệu quả nhất”.
Trách nhiệm công dân toàn cầu
Ingvar Kamprad kiên quyết không chuyển IKEA thành công ty cổ phần và niêm yết trên thị trường chứng khoán nhằm loại bỏ khả năng bị các đối thủ cạnh tranh thôn tính để đảm bảo rằng, IKEA luôn là một công ty độc lập, có thể dễ dàng sử dụng một phần lợi nhuận cho hoạt động từ thiện.
Để đạt được mục tiêu này, ông đã thiết lập mô hình kinh doanh phức tạp, chia IKEA thành hai phần: doanh nghiệp bán lẻ, Ikea Group và chủ sở hữu của thương hiệu, Inter Ikea.
Vào năm 1982, Ingvar tặng toàn bộ IKEA cho INGKA Foundation, chủ sở hữu của IKEA Foundation, một quỹ từ thiện. Ông chia sẻ: “Khi quyết định tặng Công ty, tôi muốn IKEA sẽ tiếp tục là một công ty độc lập, ngay cả sau khi tôi không còn ở đó để chăm sóc công việc kinh doanh. Bằng cách này, tôi muốn đảm bảo rằng, Công ty có thể sử dụng một phần lợi nhuận nhằm giúp tạo ra cuộc sống hàng ngày tốt đẹp hơn cho nhiều người”.
Quỹ IKEA tích cực góp phần giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của lao động trẻ em cũng như nỗ lực hợp tác với các đối tác thúc đẩy quyền trẻ em và giáo dục.
Trong năm 2009, Quỹ mở rộng điều lệ để thực hiện sứ mệnh rộng hơn nhằm tạo ra nhiều cơ hội hơn cho trẻ em, giúp các em có thể làm chủ tương lai của mình. Ngày nay, Quỹ IKEA đang hợp tác với các đối tác chiến lược, áp dụng các cách tiếp cận sáng tạo để đạt được nhiều kết quả ở quy mô lớn hơn trong bốn lĩnh vực cơ bản của cuộc sống một đứa trẻ: có một ngôi nhà để về; có một khởi đầu lành mạnh trong cuộc sống; hưởng một nền giáo dục có chất lượng; có thu nhập gia đình bền vững từ kinh doanh.
Ingvar nói: “Đối với các gia đình sống trong nghèo đói, chắc chắn nhu cầu sẽ lớn hơn so với những người có điều kiện. Tuy nhiên, ai cũng có chung những nhu cầu cơ bản: một nơi ở an toàn, một sức khoẻ tốt, thu nhập ổn định thường xuyên, mong muốn giữ an toàn cho con cái, cho chúng có được một nền giáo dục tốt và thành công trong cuộc sống.
Đó là lý do tại sao IKEA Foundation quyết định tập trung tài chính vào những nhu cầu thiết yếu này nhằm cải thiện cuộc sống của trẻ em và thanh niên tại các nước đang phát triển để họ có thể tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình. Bằng cách tập trung vào các nguyên tắc cơ bản này ở những nơi có nhu cầu lớn nhất, chúng tôi có thể tạo ra sự khác biệt và quan trọng hơn cả là giúp mọi người có một cuộc sống tốt hơn mỗi ngày”.
Năm 2016, IKEA đã hiến tặng 142 triệu Euro cho các đối tác, sử dụng vào mục đích từ thiện.
Ông chia sẻ: “Lợi nhuận tử kinh doanh của IKEA cung cấp cho chúng tôi nguồn lực. Đó là nhờ vào sự đóng góp từ những đồng nghiệp và khách hàng của Công ty”.
Cảm tình với Việt Nam
Kamprad Ingvar có “duyên nợ” đặc biệt với Việt Nam. Cuộc gặp gỡ tình cờ với một doanh nhân đang làm ăn ở Việt Nam năm 1995 tại Sân bay Bangkok (Thái Lan) đã khởi đầu cho việc ông phát triển mạng lưới các nhà cung cấp ở Việt Nam. Theo một số nguồn tin, Ingvar đã đến thăm Việt Nam 3 lần.
Trong một buổi họp lớn tại Thụy Điển, trước nhiều nhân viên đến từ các quốc gia khác nhau, Ingvar nói: “Sau Thụy điển là tổ quốc tôi, Ba Lan là nước ông mang ơn và Việt Nam là nước mà tôi yêu thích”.
Như tính cách của Ingvar, khiêm tốn, ghét phô trương, IKEA đã có những đóng góp lặng lẽ nhưng quý báu cho Việt Nam.
Chẳng hạn, IKEA tài trợ Dự án Giúp trẻ em ung thư Việt Nam - Lund, Thụy Điển, bắt đầu từ năm 2008, kéo dài trong 6 năm, nhằm nâng cao tỷ lệ sống sót của trẻ em ung thư tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Mục tiêu của dự án này là gia tăng tỷ lệ sống sót của trẻ em bị ung thư ở Việt Nam trong vòng 5 năm từ ước tính 5% lên 45%.
Đầu tháng 11/2017, bão Damrey đổ bộ vào Việt Nam, gây thiệt hại ngiêm trọng về người và của. Tình hình trở nên trầm trọng hơn sau khi cơn bão đi qua, mưa lớn gây ra lũ lụt ở nhiều khu vực. Hàng chục người chết và mất tích, nhiều khu vực dân cư bị cô lập.
Quỹ IKEA đã cấp ngay cho Tổ chức Save the children 100.000 Euro để hỗ trợ khoảng 5.700 người trong số những người dễ bị tổn thương nhất, trong đó có 2.840 trẻ em. Khoản trợ cấp của Quỹ nhằm giúp sửa chữa nhà vệ sinh và hệ thống cấp nước ở các trường học cũng như cung cấp sách vở giảng dạy và cung cấp 500 bộ lọc nước cho các gia đình bị ảnh hưởng, nhằm giúp trẻ nhanh chóng ổn định cuộc sống và trở lại trường.
Đại diện Quỹ IKEA nói: “Ứng phó khẩn cấp với thiên tai rất quan trọng để cứu người và giảm thiểu thiệt hại. Chúng tôi làm việc với Tổ chức Save the children để đáp ứng các tình huống khẩn cấp từ năm 2013, nhằm hỗ trợ nhanh chóng cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực đối với trẻ em. Chúng tôi đã hỗ trợ Save the children với tổng số khoảng 5 triệu Euro trong hơn 30 tình huống khủng hoảng trên toàn thế giới”.
Nhà khoa học Lavoisier của Pháp có nói một câu giống hệt một câu trong Tâm Kinh Bát Nhã: “Rien ne se perd, rien ne se crée” (không có gì sinh ra và không có gì diệt đi).
Đám mây không thể nào chết, đám mây chỉ có thể trở thành mưa, thành tuyết hoặc thành nước đá.
Ingvar Kamprad và sự nghiệp của ông cũng thế, sẽ được tiếp nối bởi hơn 194.000 nhân viên của ông, người thường gọi ông một cách thân thương là “ông ngoại”.