Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu (thứ 2, phải sang) tặng quà lưu niệm cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia Andi Amran Sulaiman. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN
Chiều 20/5, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu và lãnh đạo UBND thành phố cùng đại diện các sở, ngành liên quan đã có buổi tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia Andi Amran Sulaiman cùng Đại sứ Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi và thành viên đoàn.Hai bên cùng trao đổi, thảo luận hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là hợp tác xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia Andi Amran Sulaiman cho biết, Việt Nam và Indonesia có nhiều khía cạnh có thể hợp tác trong tương lai, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu nông nghiệp, chuỗi cung ứng thực phẩm.Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia, thành phố Cần Thơ có thế mạnh về phát triển nông nghiệp; trong đó, có xuất khẩu gạo. Cần Thơ cũng đã tham gia chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp (Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long)."Sau buổi gặp gỡ, Cần Thơ và Indonesia sẽ có nhiều hợp tác hơn nữa về xuất nhập khẩu gạo.
Ngoài ra, có thể hợp tác về công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tăng sản lượng lương thực cung ứng toàn khu vực Đông Nam Á", ông Andi Amran Sulaiman bày tỏ.Từ đề xuất hợp tác của lãnh đạo ngành nông nghiệp Indonesia, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp, Cần Thơ có thế mạnh về trồng, sản xuất lúa gạo, các loại cây ăn trái, thủy sản... với sản lượng khá tốt.Thành phố Cần Thơ có Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long chuyên nghiên cứu lúa giống cung ứng cho thị trường và nông dân rất hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia Andi Amran Sulaiman (trái) và Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu tại buổi tiếp. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN |
Ngoài ra, Cần Thơ có Trường Đại học Cần Thơ là một trong những trung tâm nghiên cứu, đào tạo lĩnh vực nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam. Nơi đây, tập trung nghiên cứu nhiều giống cây, con đem lại kinh tế cao.Bên cạnh đó, với diện tích nhỏ (khoảng 50.000 ha) tham gia sản xuất lúa chất lượng cao thuộc Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ sẽ tập trung sản xuất lúa giống cung ứng cho các địa phương lân cận là chính.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ cũng thông tin thêm, trong 1 triệu tấn gạo Indonesia vừa nhập từ Việt Nam, có sản lượng gạo được nhập từ các doanh nghiệp ở Cần Thơ.
Hiện, Cần Thơ đang khuyến khích mở rộng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sang thị trường sử dụng thực phẩm Halal. Với trách nhiệm là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ sẽ là địa phương gắn kết hiệu quả để có những sản phẩm cung ứng cho thị trường sử dụng thực phẩm Halal, trong đó có Indonesia.
Ngoài sản phẩm lúa gạo, Cần Thơ cũng có nhiều thực phẩm khác như cây ăn trái, thủy hải sản... có thể xuất khẩu sang Indonesia.Thông tin từ Sở Ngoại vụ Cần Thơ cho biết, quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Cần Thơ sang Indonesia đạt 16,19 triệu USD với mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo, nông sản và nông sản chế biến... Hiện, Cần Thơ có 1 dự án có vốn đầu tư từ Indonesia với vốn đăng ký đầu tư trên 10 triệu USD.