Indonesia đặt mục tiêu hoàn tất chiến dịch tiêm chủng trong năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Hartarto nhấn mạnh mục tiêu theo chỉ đạo của Tổng thống Joko Widodo, đó là tiêm chủng cho 182 triệu dân trên 19 tuổi vào cuối năm 2021.
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Jakarta. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Jakarta. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Ngày 9/3, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia kiêm Chủ tịch Ủy ban Xử lý dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế quốc gia (KPC-PEN) Airlangga Hartarto khẳng định, mục tiêu của Chính phủ là hoàn tất chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 vào cuối năm nay.

Phát biểu tại cuộc họp về điều phối quản lý thảm họa quốc gia năm 2021, Bộ trưởng Hartarto nhấn mạnh mục tiêu theo chỉ đạo của Tổng thống Joko Widodo, đó là tiêm chủng cho 182 triệu dân trên 19 tuổi vào cuối năm 2021.

Bộ trưởng Hartarto cho biết Chính phủ Indonesia sẽ mở rộng số lượng người được tiêm chủng nhằm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Hiện khoảng 160.000 người được tiêm vaccine mỗi ngày tại Indonesia.

Chính phủ nước này đặt mục tiêu nâng số người được tiêm chủng lên 500.000 người và sau đó là một triệu người mỗi ngày, đảm bảo cân đối giữa sự sẵn sàng của các nhân viên tiêm chủng và sự sẵn có của vaccine.

Ông Hartarto cho hay, ngân sách năm 2021 dành cho lĩnh vực y tế đã được tăng gần 300% so với năm trước, phục vụ cho việc triển khai chiến lược 3T (xét nghiệm, truy vết và điều trị) và chương trình tiêm chủng quốc gia.

Trong khi đó, ngân sách dành cho KPC-PEN năm nay đã được điều chỉnh lên mức 699.430 tỷ rupiah (gần 48,5 tỷ USD), tăng 21%, so với mức thực hiện 579.000 tỷ rupiah vào năm ngoái.

Khoản ngân sách này bao gồm 176.400 tỷ rupiah dành cho lĩnh vực y tế; 157.410 tỷ dành cho bảo trợ xã hội; 184.830 tỷ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và các tập đoàn; 122.420 tỷ cho các chương trình ưu tiên; và 58.470 tỷ cho các biện pháp ưu đãi kinh doanh.

Tính đến nay, Indonesia đã nhận được cam kết cung cấp 426 triệu liều vaccine từ nhiều nhà sản xuất và đã tiếp nhận tổng cộng 39,1 triệu liều, trong đó 38 triệu liều từ công ty Sinovac của Trung Quốc.

Trong ngày 9/3, Indonesia đã chính thức cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca. Nước này vừa tiếp nhận hơn 1 triệu liều vaccine của AstraZeneca thông qua cơ chế phân phối vaccine toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu.

Nước này đã khởi động giai đoạn một của chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí ngừa COVID-19 vào giữa tháng 1/2021 với mục tiêu tiêm vaccine cho khoảng 1,5 triệu nhân viên y tế. Tiếp đó hôm 17/2, Indonesia đã triển khai giai đoạn hai của chương trình tiêm chủng với mục tiêu vaccine cho 38,5 triệu người.

Tin bài liên quan