Kể từ năm 2015, Indonesia - nhà xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới - đã thu một khoản thuế để tài trợ cho hoạt động sản xuất dầu diesel sinh học từ dầu cọ, chương trình tái trồng trọt cho các hộ sản xuất nhỏ và nghiên cứu dầu cọ.
Bộ trưởng Thương mại Zulkifli Hasan cho biết: “Ban đầu chúng tôi dự định thành lập các cơ quan riêng biệt về ca cao và dừa, nhưng chúng tôi đã quyết định sáp nhập chúng với BPDPKS… Đây sẽ là một khoản trợ cấp chéo cho việc phát triển ca cao và dừa, vườn ươm và cây giống từ thuế dầu cọ thô”. Trong đó, BPDPKS đề cập đến cơ quan của quốc gia chịu trách nhiệm thu thuế xuất khẩu dầu cọ và giải ngân vốn.
Bộ trưởng điều phối kinh tế Airlangga Hartarto cho biết Indonesia hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu 0-15% đối với hạt ca cao và chính phủ sẽ giao cho BPDPKS thu và quản lý. Theo đó, kế hoạch sẽ sớm được thực hiện và cơ quan này có đủ nguồn tiền nên không cần phải áp thêm thuế đối với người sản xuất ca cao và dừa.
Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết, kế hoạch này là cần thiết để đảm bảo an ninh nguồn cung, vì sản lượng ca cao trong giai đoạn 2015-2023 giảm 8,3% mỗi năm.
Indonesia là nước xuất khẩu sản phẩm ca cao lớn thứ tư thế giới vào năm ngoái, mặc dù phải nhập khẩu 62% lượng hạt ca cao cần thiết.
Tập đoàn dầu cọ của Indonesia APKASINDO đã kêu gọi chính phủ xem xét lại kế hoạch của mình và cho biết vẫn chưa có đủ vốn cho nông dân trồng cọ.
Indonesia có kế hoạch tăng gấp đôi trợ cấp cho việc trồng lại cọ lên 60 triệu rupiah (3.695,72 USD)/ha từ tháng 5, tuy nhiên trong phiên điều trần ngân sách gần đây cho năm 2025, cơ quan này vẫn phân bổ ngân sách 30 triệu rupiah/ha cho chương trình.
Chương trình trồng lại nhằm cải thiện năng suất dầu cọ đang gặp khó khăn do những rào cản hành chính và lo ngại của nông dân về việc mất thu nhập trong khi cây trưởng thành.
Hiệp hội dầu cọ Indonesia (GAPKI) cho biết, sản lượng trong 5 năm qua đã trì trệ và việc đẩy nhanh việc tái trồng trọt giữa các hộ sản xuất nhỏ là cấp thiết vì họ chiếm hơn 40% diện tích đồn điền cọ của cả nước.
"Chúng ta cần đẩy nhanh việc tái trồng trọt, đặc biệt là đối với các hộ sản xuất nhỏ. Nếu nguồn vốn được sử dụng cho các hàng hoá khác, liệu quỹ BPDPKS có đủ không?", Chủ tịch GAPKI Eddy Martono cho biết.