Trong một văn bản công bố ngày 13/1, Ngân hàng Trung ương Indonesia nhận định: "Sở hữu tiền ảo là việc làm rất mạo hiểm và mang bản chất đầu cơ".
Theo văn bản này, những đồng tiền ảo "có khuynh hướng tạo thành bong bóng tài sản và có xu hướng được sử dụng làm phương thức cho việc rửa tiền và gây quỹ cho các hoạt động khủng bố, vì vậy nó có khả năng ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính cũng như gây tổn hại cho công chúng".
Đây là động thái tiếp theo cho thấy các chính phủ đang kiểm soát ngày càng chặt chẽ hơn với tiền thuật toán do những nguy cơ tiềm tàng từ cơn sốt tiền ảo.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã cấm tất cả nhân viên không được giao dịch tiền ảo trong giờ làm việc, trong khi phía Trung Quốc cũng đã có thêm những dự thảo để kiểm soát chặt việc đào Bitcoin.
Thông báo trên của Ngân hàng Trung ương Indonesia tới ít ngày sau khi cơ quan này cấm các công ty công nghệ tài chính sử dụng tiền thuật toán để giao dịch vào đầu tháng 1/2018, tuy nhiên cơ quan này chưa cấm giao dịch tiền ảo.
Trong khi các nhà chức trách nước này đã nhiều lần tuyên bố cấm hoạt động thanh toán sử dụng tiền điện tử, PT Bitcoin Indonesia, một trong những sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất tại quốc gia vạn đảo, đã có thêm 940.000 thành viên mới trong thời gian gần đây và nằm ngoài thẩm quyền của các quy định hiện hành tại Indonesia.
Theo Coinmartketcap, tổng giá trị thị trường tiền ảo ngày 14/1 đã đạt 710 tỷ USD, giảm nhẹ sau hai đợt giảm giá mạnh từ đầu năm 2018.
Giá Bitcoin trong hai tuần đầu năm 2018 cũng ghi nhận xu hướng giảm nhẹ, hiện ở mức 13.700 USD một đơn vị, trong khi Ethereum vẫn đang "sống khỏe" qua hai đợt bão sàn, hiện ở mức giá 1.350 USD một đơn vị.