Người nhà của bệnh nhân Covid-19 xếp hàng để bơm đầy bình oxy ở Manggarai, Jakarta. Ảnh: Shutterstock.

Người nhà của bệnh nhân Covid-19 xếp hàng để bơm đầy bình oxy ở Manggarai, Jakarta. Ảnh: Shutterstock.

Indonesia bên bờ thảm họa Covid-19 vì biến thể Delta

0:00 / 0:00
0:00
Indonesia đang tăng gấp 3 lần nguồn cung cấp oxy cho các bệnh viện khi dữ liệu cho thấy biến thể Delta đã làm bùng phát dịch Covid-19 ngày càng trầm trọng ở nước này, chiếm hơn 60% các ca mắc bệnh gần đây.

Bên bờ vực thảm họa Covid-19

Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin nói với The Guardian rằng, 3/4 lượng oxy được sử dụng cho ngành công nghiệp sẽ được triển khai cho các bệnh viện trong 2 tuần tới.

“Chúng tôi đã nhìn dịch bệnh tại Ấn Độ để đảm bảo nguồn cung oxy ở các bệnh viện”, ông Budi nói.

Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới với 275 triệu dân, đang phải đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Các bệnh viện ở Jakarta và trên khắp đảo Java đã trở nên quá tải. Liên đoàn Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) tuần này cảnh báo rằng, Indonesia đang đứng bên bờ vực của thảm họa Covid-19.

Bình oxy đã trở thành một trong những mặt hàng được săn lùng nhiều nhất ở các thành phố lớn tại Java trong bối cảnh các gia đình cố gắng cứu những người người thân không được điều trị tại bệnh viện. Giá oxy ở thủ đô Jakarta đã tăng gấp đôi, từ 50 USD/bình lên 140 USD/bình.

Bộ trưởng Budi nói thêm rằng, các nhân viên y tế bổ sung sẽ được triển khai tới 137 bệnh viện để tăng cường nguồn lực ở các bệnh viện, đồng thời việc khám từ xa cũng sẽ được đẩy mạnh.

Ba bệnh viện của chính phủ, cũng như các phòng cấp cứu, cũng đã được chuyển sang chỉ tập trung vào việc điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.

“Những gì chúng ta đang thấy trong 3 tuần qua là tốc độ lây truyền nhanh của biến thể Delta. Tình trạng của bệnh nhân sẽ xấu đi rất nhanh nếu họ mắc các bệnh nền”, ông Budi nói.

Theo Bộ trưởng Budi, Indonesia đã tiến hành giải trình tự gen của khoảng 300 ca mắc Covid-19 trong 3 tuần qua. Kết quả cho thấy, Delta hiện đã trở thành biến thể lây truyền cao nhất ở nước này khi chiếm 60% các ca bệnh và hơn ca bệnh 80% ở các khu vực như Jakarta và Bandung.

Theo mô hình dự đoán trước đây của Indonesia, số ca mắc Covid-19 sẽ đạt đỉnh điểm vào tuần đầu tiên của tháng 7, nhưng ông Budi cho biết tình hình dịch Covid-19 hiện tại không thể đoán trước được với tốc độ lây truyền nhanh chóng của biến thể Delta. “Rất khó để đưa ra dự đoán chính xác vì đây là biến thể mới”, ông Budi nói.

Phá kỷ lục ca Covid-19 mới và tử vong

Hôm 1/7, Indonesia trải qua ngày chết chóc nhất vì dịch bệnh với 504 ca tử vong. Đây cũng là ngày Indonesia ghi nhận mức tăng ca mắc bệnh mới cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, với gần 25.000 trường hợp.

Tổng thống Joko Widodo đã công bố các biện pháp hạn chế mới ở Jakarta, Java và Bali, trong đó yêu cầu nhân viên không chủ chốt làm việc tại nhà và các trường học chuyển sang học trực tuyến. Các trung tâm mua sắm và nhà thờ Hồi giáo sẽ đóng cửa. Tuy nhiên, việc đi lại trong nước vẫn được phép đối với những người đã tiêm ít nhất một liều vaccine.

Một phụ nữ Indonesia khóc nấc bên nấm mộ sơ sài của người thân qua đời vì Covid-19 ngày 28/6. Ảnh: Reuters.
Một phụ nữ Indonesia khóc nấc bên nấm mộ sơ sài của người thân qua đời vì Covid-19 ngày 28/6. Ảnh: Reuters.

Ông Budi đã bác bỏ các đề xuất rằng cần phải có một lệnh phong tỏa toàn quốc. Ông cho rằng chỉ cần lệnh cấm di chuyển giữa các tỉnh do các đợt dịch chỉ bùng phát ở quy mô địa phương.

Chính phủ Indonesia đã bị các chuyên gia y tế chỉ trích vì chậm chạp trong việc áp đặt lệnh phong tỏa và đặc biệt đã không ngăn cản người dân trở về quê vào cuối tháng Ramadan. Ngoài ra, giới chức Indonesia cũng bị cáo buộc không đầu tư đầy đủ vào hệ thống xét nghiệm SARS-CoV-2 và truy vết tiếp xúc.

Indonesia, quốc gia thực hiện 47,98 xét nghiệm SARS-CoV-2 trên 1.000 người, là một trong những nước có tỷ lệ xét nghiệm thấp nhất trên thế giới. Tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 của các kết quả xét nghiệm là hơn 20%.

Bộ trưởng Budi cho biết, ông đặt mục tiêu tăng cường xét nghiệm lên ít nhất 400.000 lượt/ngày cho đến tháng 8, tập trung vào các khu vực có tình hình dịch bệnh tồi tệ nhất. “Chúng tôi muốn giảm tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 xuống dưới 10%”, ông Budi nói.

Ông Budi thừa nhận rằng số liệu Covid-19 chính thức có thể chưa thống kê đầy đủ tất cả số ca mắc bệnh.

“Indonesia bị phân tán về mặt địa lý và cơ sở hạ tầng của các địa điểm xét nghiệm không mạnh như nhiều quốc gia khác”, ông Budi nói.

Bộ trưởng Budi nói rằng chiến dịch tiêm chủng của Indonesia đã đạt hơn 1,4 triệu liều vào hôm 1/7, đồng thời cho biết vaccine Covid-19 đang được cung cấp thêm.

Vào chiều 1/7 (giờ địa phương), chính phủ Nhật Bản đã phân phối hơn 1 triệu liều vaccine AstraZeneca. Khoảng 5% dân số Indonesia đã được tiêm chủng đầy đủ.

Ông Budi từ chối trả lời về việc liệu chính phủ Indonesia có nên áp đặt lệnh phong tỏa sớm hơn hay không, chỉ nói thêm rằng cần có thêm những hạn chế nghiêm ngặt hơn trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.

“Chúng tôi cần những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Adha”, ông Budi nói, đề cập đến ngày lễ của người Hồi giáo vào ngày 19/7, khoảng thời gian người dân thường về quê thăm gia đình. Các hạn chế hiện tại ở Indonesia sẽ kết thúc vào ngày 20/7.

Tin bài liên quan