Chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em Indonesia sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn đến năm 2022. Giai đoạn đầu Indonesia ưu tiên tiêm chủng cho trẻ em trên đảo Java, một trong hai điểm nằm trong diện áp đặt giới hạn hoạt động cộng đồng tầm vi mô khẩn cấp do dịch Covid-19 từ ngày 3-20/7.
Ngày hôm qua (1/7), thủ đô Jakarta của Indonesia là địa phương đầu tiên bắt đầu tổ chức tiêm vaccine Covid-19 cho 1,3 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi. Loại vaccine sử dụng là Sinovac, trước đó đã được Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Indonesia phê duyệt sử dụng khẩn cấp cho trẻ em.
Bộ Y tế Indonesia chỉ đạo triển khai việc tiêm chủng cho trẻ em được thực hiện tại các cơ sở y tế hoặc tại các trường học. Chính phủ nước này thành lập lực lượng phối hợp giữa Cơ quan dân số và kế hoạch hóa gia đình quốc gia và lực lượng đặc nhiệm xử lí Covid-19 để tiến hành tiêm chủng cho trẻ em.
Theo Số liệu của Bộ Y tế Indonesia, có 73.149 trẻ em từ 7-12 tuổi mắc Covid-19 giai đoạn từ tháng 3 năm 2020 đến tháng 6 năm 2021. Trong số đó, 65.404 trẻ khỏi bệnh và 128 trẻ tử vong.
Đặc biệt, biến thể mới của virus SARS-COV-2 từ Ấn Độ được phát hiện tại Indonesia hầu hết lây nhiễm cho trẻ em từ 0 đến 18 tuổi. Cứ 8 người Indonesia mắc Covid-19 thì có 1 trẻ em, do đó, việc tiêm chủng vaccine cho đối tượng trẻ em được kỳ vọng góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm đại dịch tại quốc gia Đông Nam Á này.
Trong lúc Indonesia gồng mình ứng phó với “làn sóng” Covid-19 mới, chính phủ Nhật Bản, Australia và Mỹ đã nhanh chóng cam kết viện trợ hàng triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này.
Hôm qua (1/7), 1 triệu liều vaccine Astra Zeneca đầu tiên trong tổng số 2,1 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 mà Nhật Bản cam kết viện trợ đã được chuyển đến Indonesia. Đây là một phần trong khuổn khổ chương trình hỗ trợ vaccine của Nhật Bản cho các nước Đông Nam Á.
Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết chính phủ Indonesia sẽ dành một nửa số vaccine mà Nhật Bản cung cấp để phân phối cho 121 quận huyện và thành phố trên đảo Java và Bali – nơi đang có số các ca nhiễm Covid-19 tăng vọt; số còn lại được phân phối khắp lãnh thổ Indonesia.
Bộ trưởng Y tế Indonesia cũng cho biết, ngoài Nhật Bản, chính phủ Mỹ đã cam kết viện trợ 4 triệu liều vaccine Moderna cho Indonesia. Hiện Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) đang xem xét cấp phép sử dụng khẩn cấp loại vaccine này.
Trong khi đó, chính phủ Australia đã viện trợ 77 triệu đô la Australia để giúp Indonesia nhận được ít nhất 10 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 thông qua cơ chế “Tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa Covid-19” (COVAX).
Theo Bộ trưởng Y tế Indonesia, đại dịch Covid-19 chỉ có thể được giải quyết khi mọi nước trên thế giới chung tay hợp tác. Chương trình tiêm chủng quốc gia của Indonesia hiện vẫn dựa chủ yếu vào vaccine Sinovac của Trung Quốc.
Chính phủ Tổng thống Joko Widodo đặt mục tiêu tiêm chủng 2 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 mỗi ngày cho người dân ngay trong tháng 8/2021 và hướng tới việc đạt miễn dịch cộng đồng vào Quý I năm sau.