Indonesia báo động tỷ lệ trẻ em chết do Covid-19 "cao nhất thế giới"

0:00 / 0:00
0:00
Ngoài đối phó với chủng Delta nguy hiểm, Indonesia gặp phải một vấn đề nghiêm trọng là tỷ lệ trẻ em tử vong vì Covid-19 ở nước này được giới chuyên gia đánh giá ở mức "cao nhất thế giới".
Một người mẹ cho con nhỏ xét nghiệm Covid-19 ở Jakarta, Indonesia (Ảnh: Jakarta Post).

Một người mẹ cho con nhỏ xét nghiệm Covid-19 ở Jakarta, Indonesia (Ảnh: Jakarta Post).

New York Times đưa tin, hàng trăm trẻ em ở Indonesia đã thiệt mạng vì Covid-19 trong những tuần gần đây, trong đó có nhiều trẻ em dưới 5 tuổi. Tỷ lệ tử vong của trẻ em ở quốc gia Đông Nam Á được cho cao hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới và thực tế này đã thách thức quan điểm trước đó rằng trẻ em là nhóm đối diện rủi ro thấp từ Covid-19.

Trong tháng 7, Indonesia ghi nhận hơn 100 trẻ em tử vong mỗi tuần vì Covid-19, trong bối cảnh quốc gia này đang trở thành tâm dịch mới của thế giới với làn sóng lây nhiễm bùng nổ trong thời gian qua do chủng Delta nguy hiểm.

"Tỷ lệ trẻ em tử vong ở Indonesia là cao nhất trên thế giới. Tại sao chúng ta không dành cho trẻ em những điều tốt nhất?", tiến sĩ Aman Bhakti Pulungan, chủ tịch Hội Nhi khoa Indonesia nhận định.

Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, ghi nhận số ca bệnh và ca tử vong tăng vọt trong thời gian gần đây, liên tục phá các kỷ lục u ám. Bệnh viện, nghĩa trang "vỡ trận" trên diện rộng.

New York Times dẫn các báo cáo từ các bác sĩ nhi khoa, trẻ em hiện chiếm 12,5% số ca bệnh ở Indonesia. Hơn 150 trẻ tử vong vì dịch trong tuần lễ 12/7, với một nửa những ca tử vong gần đây liên quan tới nhóm trẻ dưới 5 tuổi.

Tổng cộng, Indonesia ghi nhận 3 triệu ca bệnh và 83.000 người tử vong nhưng các chuyên gia y tế nhận định, con số thực tế có thể cao hơn nhiều, do năng lực xét nghiệm ở nước này vẫn còn ở mức hạn chế.

Hơn 800 trẻ em, thiếu niên dưới 18 tuổi ở Indonesia đã thiệt mạng vì Covid-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhưng phần lớn các ca tử vong xảy ra trong tháng 7.

"Trước đó, trẻ em được xem là nạn nhân vô hình của đại dịch Covid-19. Điều đó lúc này không còn đúng nữa", tiến sĩ Yasir Arafat, cố vấn y tế tại châu Á cho tổ chức phi lợi nhuận Save the Children.

Nhiều nguyên nhân

Các chuyên gia y tế cho biết, có một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Một số trẻ em dễ tổn thương trước virus vì mắc các bệnh nền như suy dinh dưỡng, béo phì, tiểu đường và bệnh tim.

Ngoài ra, tỷ lệ tiêm chủng thấp cũng là một yếu tố. Hiện có khoảng 16% dân số Indonesia tiêm một liều và chỉ 6% đã tiêm đủ 2 mũi. Giống như nhiều quốc gia khác, Indonesia không tiêm chủng cho trẻ em dưới 12 tuổi và mới bắt đầu tiêm chủng cho nhóm 12-18 tuổi.

Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện đã quá tải vì số ca bệnh tăng vọt, khiến nhiều bệnh nhân phải vạ vật chờ được cứu chữa ở hành lang hoặc các lều dã chiến dựng bên ngoài khuôn viên. Ít bệnh viện được chỉ định để chăm sóc trẻ em mắc Covid-19.

"Nếu trẻ em mắc bệnh, chúng ta sẽ đưa chúng tới đâu bây giờ? Tới phòng cấp cứu đang quá tải người lớn hay sao? Và nếu quý vị chứng kiến tình hình dịch bệnh vài tuần qua, mọi người phải chờ đợi ở phòng cấp cứu nhiều ngày để được chữa trị? Trẻ em làm sao có thể chịu đựng như vậy?", tiến sỹ Aman lo lắng.

Khi các bệnh viện đều quá tải, khoảng 2/3 bệnh nhân trưởng thành đang phải cách ly ở nhà, yếu tố có thể đẩy trẻ em vào rủi ro có thể bị lây chéo.

Ngoài ra, trẻ sơ sinh ở Indonesia cũng chịu rủi ro khi bạn bè, người thân, hàng xóm thường tới thăm chúng để chào đón đứa bé chào đời, theo chuyên gia Edhie Rahmat từ tổ chức chăm sóc y tế phi lợi nhuận Project HOPE.

"Một số trẻ sơ sinh chào đời với kết quả âm tính, nhưng chúng tử vong vì Covid-19 sau những chuyến thăm như vậy. Thật đau lòng", ông Edhie cho hay.

Tiến sĩ Aman nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thuyết phục công chúng tuân thủ quy định phòng dịch để bảo vệ trẻ em.

"Tất cả là do người lớn. Họ là những người cứng đầu. Họ không mang khẩu trang và rồi đưa con tới những nơi đông người', ông Edhie cảnh báo.

Tin bài liên quan