IMF: Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chiếm khoảng một nửa tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023

IMF: Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chiếm khoảng một nửa tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chiếm khoảng một nửa tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay, nhấn mạnh vào vai trò ngày càng tăng của châu Á trong nền kinh tế thế giới.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện đang dự báo mức tăng trưởng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ đạt 4,6% trong năm nay, cao hơn khoảng 0,3% so với con số dự kiến được đưa ra ​​vào tháng 10 năm ngoái, chủ yếu là do Trung Quốc mở cửa trở lại. Đồng thời, IMF ước tính, toàn bộ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ đóng góp hơn 70% tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm nay.

IMF cho biết, tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ duy trì ở mức khoảng 3% trong 5 năm tới. Đây sẽ là dự báo trung hạn thấp nhất kể từ năm 1990. Trong ngắn hạn, IMF đã hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu xuống 2,8% cho năm nay và 3% cho năm 2024, trong bối cảnh lạm phát cao kéo dài và các nền kinh tế lớn đang ra sức xử lý "lỗ hổng" của khu vực ngân hàng.

Quỹ Tiền Tệ Quốc tế cũng nhận định "Khoảng 90% các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới sẽ chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng trong năm nay".

Ông Krishna Srinivasan, Giám đốc bộ phận châu Á và Thái Bình Dương tại IMF cho rằng, khi nền kinh tế toàn cầu bước vào thời kỳ tăng trưởng yếu nhất trong hơn 30 năm qua, thì hai nền kinh tế đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là “những điểm sáng”, trong đó sự phục hồi của Trung Quốc đang thúc đẩy hoạt động trong khu vực.

Trung Quốc mở cửa đóng vai trò quan trọng

Ông Srinivasan nói: “Tác động lan tỏa mạnh nhất đến tăng trưởng khu vực là từ nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa đầu tư. Nhưng lần này, chúng tôi kỳ vọng tác động lan tỏa lớn nhất sẽ đến từ nhu cầu gia tăng của Trung Quốc đối với hàng hóa tiêu dùng”.

“Trung Quốc là một nhân tố rất quan trọng cả trên toàn cầu và trong khu vực. Số liệu của chúng tôi cho thấy, cứ mỗi 1 điểm phần trăm tăng trưởng của Trung Quốc sẽ đóng góp vào mức tăng trong khu vực 0,3 điểm phần trăm", ông Srinivasan nhận định và cho biết thêm, các dấu hiệu phục hồi được ghi nhận trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và xa xỉ của Trung Quốc.

IMF dự đoán, mức tăng trưởng của Trung Quốc vào khoảng 5,2% trong năm nay. Con số này thấp hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng trước Covid nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với mức 3% của năm 2022.

Ông Srinavasan cũng cảnh báo giống như các khu vực khác trên thế giới, châu Á sẽ cần cảnh giác với các mối đe dọa bao gồm lạm phát kéo dài và rủi ro trong lĩnh vực tài chính, bất động sản. Ông nhấn mạnh: “Các nhà hoạch định chính sách nên theo dõi chặt chẽ tình trạng căng thẳng trong ngành tài chính hiện nay và xây dựng các kế hoạch dự phòng".

Ấn Độ

Theo quan chức của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, quỹ này cùng Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo đối với Ấn Độ trong năm nay mặc dù hoạt động đầu tư và xuất khẩu của quốc gia này đang bùng nổ.

Ông Srinivasan nhấn mạnh: “Chúng tôi đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Ấn Độ từ 6,1% xuống 5,9%, bởi quốc gia này đã xuất hiện một số yếu tố chậm lại trong tiêu thụ".

IMF cũng hạ mức tăng trưởng kinh tế cho năm tài chính 2024 của quốc gia này thêm 0,5% xuống còn 6,3%.

Mặc dù Ấn Độ vẫn sẽ là nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất trên thế giới, nhưng các dự đoán của IMF không đạt được như ước tính 6,5% của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI - ngân hàng trung ương) trong năm nay.

Nada Choueiri, Trưởng phái đoàn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Ấn Độ cho biết, nhu cầu tiêu dùng ở Ấn Độ đang chậm lại và nền kinh tế đang có dấu hiệu suy giảm do "ngấm đòn" đại dịch gây ra.

Bà Choueiri cho biết, một đợt thời tiết thuận lợi sắp tới sẽ giúp giảm giá lương thực, giúp giảm lạm phát chung xuống dưới 5% trong năm tài chính hiện tại. Ngân hàng trung ương nước này (RBI) dự kiến ​​mức tăng của giá lương thực sẽ ở mức vừa phải tăng khoảng 5,2% trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, những rủi ro bất ngờ thị trường tài chính toàn cầu như khủng hoảng ngành ngân hàng xảy ra đột ngột thời gian vừa qua và sự chậm lại ở các thị trường xuất khẩu chính của Ấn Độ có thể thách thức các ước tính của IMF, bà Choueiri cho biết.

Ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI) đã tạm dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ kéo dài gần một năm qua để đánh giá lại tác động của việc tăng lãi suất cơ bản lên mức 2,5% đã ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế nước này.

Bà Choueiri cho biết, xuất khẩu của Ấn Độ, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, đã phục hồi và điều đó sẽ giữ cho thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức 2,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2023.

Ông Srinivasan cho rằng, nhìn chung, Ấn Độ vẫn là một điểm tương đối sáng trong nền kinh tế thế giới. Cách thức hoạt động của Trung Quốc và Ấn Độ trong vài năm tới sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến triển vọng của châu Á.

"Nếu Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục làm tốt, thì đó là một bước ngoặt lớn đối với các nước trong khu vực", ông nói.

Tuy nhiên, ông cũng đã đưa ra cảnh báo rằng: "Các quốc gia châu Á tiếp tục đối mặt với các vấn đề như nhu cầu bên ngoài từ Mỹ và châu Âu chậm lại và lãi suất tăng cao do các ngân hàng trung ương tiếp tục công cuộc chống lạm phát. Các hệ thống ngân hàng châu Á vẫn đang hoạt động khá tốt, nhưng nếu có thêm căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng tại Mỹ và châu Âu thì vẫn sẽ có những rủi ro cho nền tài chính khu vực châu Á".

Tin bài liên quan