IMF thúc giục Mỹ nâng trần nợ

IMF thúc giục Mỹ nâng trần nợ

Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - Christine Lagarde cho rằng rủi ro tại Mỹ sẽ “đe dọa nghiêm trọng” kinh tế toàn cầu nếu các nhà làm luật nước này không nâng trần nợ trong vài tuần tới.

Trong buổi nói chuyện trước thềm cuộc họp của IMF và World Bank tại Washington (Mỹ) tuần tới, bà Lagarde nhận xét đà phục hồi yếu ớt của kinh tế toàn cầu còn đang chịu ảnh hưởng từ eurozone, biến động thị trường và tăng trưởng chậm lại tại các nước mới nổi. Vì thế, "bất ổn triền miên tại Mỹ về ngân sách và trần nợ sẽ chẳng giúp được gì cho thế giới", bà cho biết.

Cuộc chiến chính trị tại Mỹ chỉ gây thêm khó khăn cho quá trình hồi phục của kinh tế toàn cầu, sau cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ Chiến tranh Thế giới II. "Chính phủ đóng cửa đã đủ tồi tệ rồi. Nhưng không nâng trần nợ còn nguy hiểm hơn nữa. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ mà còn có thể lan ra toàn cầu", bà nhấn mạnh.

 

IMF cảnh báo Mỹ đang đe dọa kinh tế toàn cầu. Ảnh: BBC

 

Giám đốc IMF cho biết quá trình chuyển dịch từ suy thoái sang hồi phục thường mất từ một đến 2 năm. Tuy nhiên, theo bà, "việc này hiện rất khác biệt. Nó có thể kéo dài đến hết thập kỷ, nếu không muốn nói là lâu hơn". Vì thế, để đảm bảo việc chuyển dịch diễn ra suôn sẻ, Chính phủ các nước cần hành động mạnh mẽ và thống nhất hơn.

Khu vực eurozone có thể tăng trưởng 1% năm tới sau 6 quý liên tiếp suy thoái. Tuy nhiên, họ cần củng cố ngân sách và liên minh ngân hàng trong khu vực. Mỹ cũng phải kiềm chế rủi ro nợ công và thâm hụt, còn FED cần cẩn thận hơn về thời điểm chấm dứt gói nới lỏng tiền tệ.

Các nước mới nổi cũng cần có nhiều biện pháp hơn để tăng trưởng bền vững và giúp nền kinh tế tránh khỏi các cú sốc trong tương lai. Thị trường khu vực này đã biến động mạnh từ tháng 5, khi FED đề cập đến chuyện chấm dứt chương trình nới lỏng tiền tệ.

Để xoa dịu biến động này, các nền kinh tế mới nổi nên cho phép tiền tệ giảm giá và sẵn sàng bơm tiền dự trữ ra thị trường. Bên cạnh đó, tuy chính sách nới lỏng đã giúp được nhiều nước, "một số hiện khó có thể nới lỏng thêm nữa vì áp lực lạm phát, như Brazil, Ấn Độ, Indonesia hay Nga", bà Lagarde nhận định.