Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã có đánh giá chi tiết về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay. IMF cho rằng, triển vọng tăng trưởng lạc quan của Việt Nam đang đi ngược chiều với xu hướng chậm lại của các nền kinh tế khác ở châu Á. Lạm phát tương đối thấp của Việt Nam cũng là một ngoại lệ đối với quy luật chung trong khu vực này.
IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022, tăng 1 điểm phần trăm so với dự báo được đưa ra 3 tháng trước đó, ghi nhận điều chỉnh tăng đáng kể duy nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm ASEAN-6.
Hồi tháng 4/2022, IMF dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Philippines lần lượt là 5,4%; 3,3%; 5,6%; 3,7%; 6,5%. Tháng 7/2022, dự báo cho Indonesia được điều chỉnh giảm xuống còn 5,3%, Thái Lan còn 2,8%, Malaysia còn 5,1%, và Philippines lên 6,7%.
Theo báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của IMF, ước tính tăng trưởng của châu Á đã giảm xuống 4,2% và 4,6% cho năm 2022 và năm 2023.
Dự báo tăng trưởng ở một số nền kinh tế lớn của châu Á. (Nguồn: IMF) |
IMF nhận định, áp lực lạm phát của Việt Nam chủ yếu nằm ở một số hàng hóa như nhiên liệu và các dịch vụ liên quan như vận tải. Người tiêu dùng phần lớn không bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng giá lương thực toàn cầu, vì nguồn cung trong nước dồi dào, giá thịt lợn giảm so với mức đỉnh của năm ngoái và gạo - lương thực chính ở Việt Nam - vẫn rẻ hơn so với các loại ngũ cốc khác như lúa mì. Hơn nữa, mức tăng giá đối với các dịch vụ như y tế và giáo dục cũng rất nhẹ.
Tuy nhiên, theo IMF, lạm phát có thể tăng lên khi hoạt động kinh tế trở lại với tốc độ tối đa. Chi phí vận chuyển cao hơn và các mặt hàng như phân bón và thức ăn chăn nuôi cũng có thể làm tăng giá nhiều loại hàng hóa và dịch vụ hơn, gây thêm áp lực lạm phát./.