Không chỉ riêng ở Việt Nam mà lạm phát trên toàn cầu năm 2015 có xu hướng giảm mạnh khiến nhiều quốc gia cân nhắc khả năng nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên, Báo cáo “2015 Spillover Report” vừa công bố IMF phân tích, lạm phát giảm có thể chỉ là tạm thời.
Điểm đáng lưu ý trong Báo cáo là khi đề cập đến lạm phát, IMF đã phân tích giá dầu thô thế giới giảm khoảng 50% so với mức bình quân cuối năm 2014, và việc sụt giảm giá các hàng hóa cơ bản khác do kinh tế Trung Quốc yếu đi không chỉ tác động lên xuất khẩu và ngân sách nhà nước của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, hàng hóa thô, khoáng sản mà còn tác động lên mặt bằng lạm phát thế giới, kéo lạm phát các nước xuống mức thấp. Lạm phát liên tục giảm tại nhiều nước hoặc nếu có tăng cũng chỉ ở mức rất thấp.
Tại Việt Nam, lạm phát năm 2015 nhìn chung có xu hướng giảm từ cuối năm 2014 và duy trì ở mức thấp. Bình quân 11 tháng đầu năm 2015, lạm phát tăng 0,64%, dự kiến cả năm dưới 1%.
Cụ thể, mức lạm phát tháng 10/2015 so với cùng kỳ tại Mỹ là 0,2%; khu vực đồng Euro là 0,1%; Nhật Bản 0,3%; Thái Lan là -0,77%; Philippines là 0,4%; Trung Quốc là 1,3%...
Điều này gây ra mối quan ngại về nguy cơ giảm phát tại các nền kinh tế. Tuy vậy, lạm phát lõi tại nhiều nền kinh tế vẫn duy trì ở mức ổn định (Mỹ hiện ở mức 1,9%; khu vực đồng Euro: 1,1%; Trung Quốc: 1,5%; Thái Lan: 0,95%; Philippines: 1,5%...).
IMF nhận định xu hướng giảm lạm phát hiện nay không phản ánh tổng cầu nội địa sụt giảm mà chủ yếu do tác động giá hàng hóa thế giới đặc biệt là giá dầu giảm. Phân tích định lượng của IMF cho thấy giá dầu giảm khoảng 50% sẽ khiến CPI giảm khoảng 1,5 điểm phần trăm tại các nước G20.
Tại Việt Nam, lạm phát năm 2015 nhìn chung có xu hướng giảm từ cuối năm 2014 và duy trì ở mức thấp. Bình quân 11 tháng đầu năm 2015, lạm phát tăng 0,64%, dự kiến cả năm dưới 1%. Trong đó, nhóm giao thông giảm 12,2%; nhóm lương thực giảm 1%; nhóm nhà ở vật liệu xây dựng giảm 1,9%.
Nếu bóc tách các yếu tố này thì lạm phát thực tế năm 2014 và năm 2015 cũng xoay quanh mức 4,5%, sát với mục tiêu 5% đề ra từ đầu năm. Điều này cho thấy lạm phát tăng thấp như hiện nay chủ yếu do giá xăng dầu, lương thực giảm theo xu hướng giảm giá hàng hóa thế giới.
IMF cho rằng diễn biến lạm phát giảm hiện nay dự kiến sẽ chỉ tạm thời và có thể tăng trở lại khi giá cả hàng hóa thế giới phục hồi. Do đó, IMF khuyến nghị các quốc gia không nên coi đây là biểu hiện của giảm phát; ngân hàng trung ương các nước không nên phản ứng quá mức với diễn biến giảm lạm phát thời gian qua và cần có chiến lược truyền thông rõ ràng với công chúng nhằm giúp hạn chế kỳ vọng sai lệch về giảm phát.