IMF: Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng gần 6% trong năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam cần có một đợt cải cách mới nhằm thúc đẩy tăng năng suất để duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong trung hạn, trong bối cảnh có những thách thức về nhân khẩu học và biến đổi khí hậu.
IMF: Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng gần 6% trong năm 2024

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do ông Paulo Medas dẫn đầu đã tiến hành đợt tham vấn theo Điều IV năm 2024 với Việt Nam từ ngày 12 đến ngày 26 tháng 6. Đoàn đã trao đổi quan điểm với Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính, các quan chức cấp cao của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Kinh tế Trung ương, Quốc hội và các cơ quan Chính phủ khác. Đoàn cũng đã gặp đại diện của khu vực tư nhân, các cơ quan nghiên cứu chính sách, các học giả và các đối tác khác.

Kết thúc chuyến thăm, ông Paulo Medas đã có thông cáo như sau, trong năm 2023 đầy thử thách, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 5% nhờ những chính sách quyết liệt của Chính phủ. Những xáo trộn trong thị trường bất động sản, căng thẳng về tài chính và xuất khẩu giảm mạnh đã tác động tới nền kinh tế. Quá trình phục hồi bắt đầu từ cuối năm 2023 nhờ xuất khẩu và du lịch phục hồi và sự hỗ trợ của chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng phù hợp. Lạm phát tăng trong quý đầu năm 2024 một phần do giá lương thực tăng, mặc dù lạm phát cơ bản vẫn tương đối thấp và ổn định. Tài khoản vãng lai đối ngoại đã thặng dư lớn trong năm 2023 ở mức 5,8% GDP, phần nhiều phản ánh nhập khẩu sụt giảm đáng kể.

“Tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ phục hồi ở mức gần 6% trong năm 2024 được hỗ trợ bởi cầu bên ngoài tiếp tục mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định và các chính sách nới lỏng hỗ trợ. Dự kiến tăng trưởng cầu trong nước vẫn còn yếu do các doanh nghiệp phải chèo chống với mức nợ cao trong khi thị trường bất động sản sẽ chỉ phục hồi hoàn toàn trong trung hạn. Lạm phát dự kiến sẽ dao động quanh mức mục tiêu 4-4,5% của NHNN trong năm nay", ông Paulo Medas nhận định.

Cũng theo ông Paulo Medas, những rủi ro tiêu cực vẫn còn cao. Xuất khẩu, động lực chính của nền kinh tế Việt Nam, có thể yếu hơn nếu tăng trưởng toàn cầu không được như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị toàn cầu dai dẳng hoặc tranh chấp thương mại gia tăng. Ở trong nước, những yếu kém kéo dài của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tác động mạnh hơn dự kiến đến khả năng cấp tín dụng của các ngân hàng, làm phương hại đến tăng trưởng kinh tế cũng như làm suy yếu sự ổn định tài chính. Với điều kiện tiền tệ nới lỏng, nếu áp lực tỷ giá hối đoái kéo dài lâu hơn, việc này sẽ dẫn đến tác động truyền dẫn lớn hơn đến lạm phát trong nước.

“Do phục hồi kinh tế không đồng đều, các chính sách vẫn mang tính hỗ trợ cao trong năm 2024, nhưng có thể cần phải điều chỉnh để ứng phó với những rủi ro đối với triển vọng kinh tế", ông Paulo Medas nhận định.

Ông Paulo Medas cho rằng, lạm phát vẫn được kiểm soát nhưng NHNN cần sẵn sàng thắt chặt chính sách tiền tệ nếu áp lực tăng giá gia tăng. Các chính sách cần tiếp tục tập trung vào việc tăng cường ổn định tài chính, điều này đòi hỏi phải cải thiện chất lượng tài sản và tránh tăng trưởng tín dụng quá mức với chất lượng thấp. Theo thời gian, tăng tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái song song với hiện đại hóa chính sách tiền tệ hơn nữa theo hướng đặt mục tiêu lạm phát sẽ giúp đối phó với các cú sốc bên ngoài tốt hơn, đồng thời bảo vệ được đệm dự trữ ngoại hối.

Chính sách tài khóa, theo ông Paulo Medas, cũng đang hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 trong bối cảnh lương khu vực công dự kiến tăng mạnh và những nỗ lực không ngừng nhằm đẩy mạnh đầu tư công. Tăng cường quản lý tài khóa sẽ giúp đối mặt với những thách thức phía trước. Việc này bao gồm cải thiện các cấu phần và chất lượng chi tiêu công và dịch vụ công, củng cố lập dự toán ngân sách để phản ánh tốt hơn những tác động của già hóa dân số và biến đổi khí hậu trong trung và dài hạn và cải thiện lưới an sinh xã hội.

"Nỗ lực huy động thu ngân sách sẽ tạo nguồn lực để tăng chi cho an sinh xã hội, giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu và nhu cầu đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng", ông Paulo Medas nói.

Đáng chú ý, ông Paulo Medas cho rằng, Luật Các Tổ chức Tín dụng mới là một bước tiến quan trọng và cần có tiếp các biện pháp khác để tăng cường giám sát và quản trị các thể chế tài chính. Cần nỗ lực hơn nữa để khôi phục sức khỏe của hệ thống ngân hàng, gồm các biện pháp cải thiện chất lượng tài sản, xóa bỏ dần biện pháp gia hạn nợ nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ, tăng vốn ngân hàng có thể giúp tăng cường sự ổn định tài chính. Cần đẩy mạnh xử lý các ngân hàng bị đổ vỡ để hạn chế chi phí cuối cùng và cải thiện chức năng của hệ thống tài chính và tiền tệ. Một khuôn khổ pháp lý mạnh hơn để xử lý mất khả năng thanh toán, cưỡng chế nợ sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp và làm cho hệ thống tài chính ổn định hơn.

Ông Paulo Medas nhấn mạnh: "Chúng tôi hoan nghênh việc sửa đổi Luật Đất Đai và các luật liên quan đến bất động sản khác nhằm giải quyết những nút thắt về pháp lý trong lĩnh vực này. Cần nỗ lực hơn để tái cơ cấu các doanh nghiệp phát triển bất động sản yếu kém và thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh".

Để duy trì tăng trưởng kinh tế cao trong bối cảnh nhân khẩu học kém thuận lợi và những thách thức về biến đổi khí hậu, ông Paulo Medas cho rằng, Việt Nam cần có một đợt cải cách mới. Tăng năng suất, đầu tư nhiều hơn vào nguồn vốn con người và vốn vật chất, đồng thời khuyến khích đầu tư tư nhân vào năng lượng tái tạo là vấn đề then chốt. Cải thiện hoạt động của thị trường vốn cũng sẽ giúp tăng năng suất. Về vấn đề này, phát triển thị trường trái phiếu chính phủ dựa trên thị trường rất quan trọng để tạo điều kiện phát triển thị trường vốn nói chung và giúp truyền dẫn chính sách tiền tệ hiệu quả hơn.

Theo ông Paulo Medas, những nỗ lực chống tham nhũng của Việt Nam rất quan trọng để đạt được sự phát triển chất lượng cao và sẽ hưởng lợi từ kiện toàn các thể chế phòng chống tham nhũng mạnh hơn, tăng cường quản trị kinh tế và minh bạch hơn. Nỗ lực nhằm giảm tính bất định về pháp lý và cho phép các cán bộ nhà nước ra quyết định nhanh hơn cũng sẽ thúc đẩy môi trường kinh doanh thân thiện hơn. Hơn nữa, cần khẩn trương cải thiện cơ chế Phòng Chống Rửa tiền/Chống Tài trợ Khủng bố.

"Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực cải thiện dữ liệu kinh tế, kết hợp với nâng cao tính minh bạch sẽ giúp cải thiện hoạch định chính sách, hỗ trợ phát triển kinh tế và thị trường vốn", ông Paulo Medas chia sẻ.

Tin bài liên quan