IMF: Kinh tế châu Á cần vài năm để phục hồi hậu Covid-19

IMF: Kinh tế châu Á cần vài năm để phục hồi hậu Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, nền kinh tế châu Á dự đoán sẽ thu hẹp trong năm nay và cảnh báo rằng châu Á có thể mất vài năm để phục hồi.

IMF cho biết trong một bài đăng trên blog được công bố hôm thứ Ba (30/06) rằng nền kinh tế châu Á có thể giảm 1,6% trong năm nay, và hạ dự báo so với báo cáo trong tháng Tư rằng khu vực châu Á không tăng trưởng trong năm nay.

Trong khi đó, Changyong Rhee, Giám đốc bộ phận châu Á và Thái Bình Dương tại IMF cho biết rằng, khu vực châu Á vẫn ở trong tình trạng tốt hơn so với các khu vực khác trên thế giới.

Ông cho biết thêm, châu Á không thể là một ngoại lệ khi cả thế giới đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong tháng trước, IMF cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu, họ dự báo nền kinh tế thế giới sẽ thu hẹp 4,9% trong năm nay trước khi hồi phục và tăng 5,4% trong năm tới.

Liệu châu Á có thực sự hồi phục trong năm 2020

Châu Á là khu vực đầu tiên bị dịch Covid-19, sau khi virus lây lan trên toàn cầu, nhiều chính phủ đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội của người dân, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh tế.

Rhee cho biết, nền kinh tế châu Á dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm tới với mức tăng 6,6%. Nhưng sự tăng trưởng này vẫn thấp hơn nhiều so với dự báo của IMF trước khi có đại dịch Covid-19.

Ông cho biết, điều IMF lo lắng về châu Á là liệu có thực sự hồi phục từ năm 2020 hay không. Ông giải thích rằng, các quốc gia trong khu vực có sự phụ thuộc nặng nề vào thương mại, du lịch và kiều hối, đây là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

“Ngay cả khi chúng tôi phát triển các giải pháp y tế mới, việc phục hồi các ngành liên quan tới thương mại, du lịch, kiều hối sẽ vẫn chậm. Vì vậy, tôi nghĩ rằng sự phục hồi của châu Á sẽ bị kéo dài”, Rhee cho biết.

“Nếu có một làn sóng lây nhiễm thứ 2 trong khu vực, nhiều chính phủ sẽ không còn nhiều biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế của họ như họ đã từng làm trong đợt lây nhiễm đầu tiên”, Rhee cho biết thêm.

“Điều đó đặc biệt đúng với các nền kinh tế mới nổi của khu vực, nơi có các giới hạn ngân sách nhất định. Vì vậy, tôi tự hỏi, nếu làn sóng thứ 2 xảy ra, liệu các chính phủ châu Á có thể sử dụng kích thích tương tự như trong làn sóng lây nhiễm đầu tiên hay không. Vì vậy, chúng ta phải thận trọng hơn”, Rhee cho biết.

Tin bài liên quan