Sau cuộc tham vấn chính sách hàng năm với Nhật Bản, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, khi nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục phục hồi, nhu cầu trong nước đang thay thế chi phí gia tăng trở thành động lực chính gây ra lạm phát với lỗ hổng GDP (chênh lệch giữa GDP thực tế và GDP tiềm năng) thu hẹp và tình trạng thiếu lao động ngày càng gia tăng.
“BOJ đã thận trọng một cách thích hợp dựa trên lịch sử giảm phát của Nhật Bản và các tín hiệu trái chiều từ dữ liệu gần đây. Điều đó cho thấy, rủi ro lạm phát tăng cao đã thành hiện thực trong năm qua… Trong thời gian tới, trọng tâm nên chuyển sang thắt chặt chính sách tài khóa và giảm bớt chính sách tiền tệ bất thường, đồng thời duy trì sự ổn định tài chính”, IMF cho biết.
Với lạm phát đã vượt quá 2% trong hơn một năm, BOJ đã đặt nền móng cho việc kết thúc một chương trình kích thích phức tạp bao gồm chương trình mua tài sản khổng lồ được gọi là nới lỏng định lượng và định tính (QQE), lãi suất ngắn hạn âm và kiểm soát đường cong (YCC) - chính sách giới hạn lãi suất dài hạn quanh mức 0.
Theo một cuộc khảo sát của Reuters, nhiều người tham gia thị trường kỳ vọng BOJ sẽ chấm dứt lãi suất âm trong năm nay với thời điểm phổ biến nhất được xem là tháng 4.
IMF cho biết: “BOJ nên xem xét việc thoát khỏi YCC và kết thúc QQE ngay bây giờ đồng thời tăng dần lãi suất chính sách ngắn hạn sau đó”.
Phó Giám đốc điều hành của IMF, Gita Gopinath cho biết rằng việc chấm dứt chính sách lãi suất âm có hiệu lực từ năm 2016 có thể sẽ diễn ra suôn sẻ vì các nhà đầu tư nhận thấy rõ ràng rằng chi phí đi vay thực tế được điều chỉnh theo lạm phát sẽ vẫn rất thấp.
Tuy nhiên, bà nói rằng việc tăng lãi suất chính sách ngắn hạn hơn nữa phải được thực hiện dần dần và thực hiện trong vài năm.
“Bất kể khi thực hiện lần tăng lãi suất đầu tiên sau hai tháng hay ba tháng, điểm chính là tăng lãi suất dần dần trong vài năm”, bà cho biết.
Cuộc họp chính sách tiếp theo của BOJ sẽ diễn ra vào ngày 18/3 và 19/3, sau đó là một cuộc họp khác vào ngày 25/4 và 26/4.
Bên cạnh đó, IMF cho rằng các khoản trợ cấp năng lượng của chính phủ và kế hoạch cắt giảm gần như toàn bộ thuế thu nhập là "không đảm bảo", do sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản và tỷ lệ nợ trên GDP cao.
IMF cho biết: “Với tính chất tạm thời và xu hướng tiêu dùng thấp của các hộ gia đình Nhật Bản, việc cắt giảm thuế thu nhập không có mục tiêu dự kiến sẽ có tác động hạn chế đến tăng trưởng. Ngoài ra, trợ cấp năng lượng có thể làm sai lệch mức tiêu thụ năng lượng và cản trở các sáng kiến khử carbon và cần được thay thế bằng các khoản trợ cấp có mục tiêu cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương”.