IMF: ECB cần tăng lãi suất cao hơn nữa

IMF: ECB cần tăng lãi suất cao hơn nữa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nên tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và các chính phủ khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nên giảm thâm hụt ngân sách để hỗ trợ kinh tế. 

Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat), lạm phát tháng 5/2023 của 20 quốc gia thuộc khu vực Eurozone đã giảm đáng kể xuống còn 6,1%, so với mức 7% của tháng 4. Tuy nhiên, mức lạm phát này vẫn còn cách khá xa so với mức lạm phát mục tiêu 2%.

ECB đã tăng lãi suất thêm 0,25% trong ngày 15/6, lần tăng thứ 8 liên tiếp, lên 3,5% - mức cao nhất trong 22 năm qua và cho biết, có khả năng lãi suất sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.

Đồng tính với hành động này, IMF cho biết, chính sách tiền tệ phải tiếp tục thắt chặt hơn nữa để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%, đồng thời kêu gọi các chính phủ khu vực Eurozone giúp đỡ ECB bằng cách cắt giảm chi tiêu. Tổ chức này dự đoán, nền kinh tế Eurozone vẫn sẽ tăng trưởng nhẹ trong năm nay và năm tới bất chấp các điều kiện tài chính bị thắt chặt.

“Việc củng cố chính sách tài khóa cũng nên được tiến hành để giảm bớt áp lực lạm phát và tái cấu trúc lại ngân sách”, IMF khuyến nghị.

Hồi tháng 5, Ủy ban châu Âu (EC) dự báo, tài chính công của khu vực Eurozone sẽ được cải thiện, với tổng thâm hụt ngân sách sẽ giảm xuống 3,2% GDP trong năm nay từ mức 3,6% của năm ngoái và giảm xuống chỉ còn 2,4% GDP vào năm 2024.

Nợ công cũng sẽ tiếp tục giảm và EC dự đoán tỷ lệ nợ công sẽ ở mức 90,8% GDP cho toàn khu vực Eurozone trong năm nay, giảm từ mức 93,1% của năm 2022 và giảm thêm xuống còn 89,9% vào năm 2024.

IMF kêu gọi các chính phủ EU hoàn thành chương trình cải cách đang diễn ra đối với các quy tắc tài chính của khối EU, vốn được đưa ra để ngăn chặn việc các chính phủ vay mượn quá mức dẫn đến khó có khả năng trả nợ.

Kế hoạch cải cách này sẽ được các bộ trưởng tài chính EU thảo luận vào cuối ngày 16/6, nhưng dự kiến ​​sẽ không có nhiều tiến triển, vì Đức và Pháp vẫn còn bất đồng quan điểm về việc liệu có nên giảm mức nợ tối thiểu bắt buộc cho tất cả các nước hay không.

IMF cho biết: “Một thỏa thuận nhanh chóng về cải cách khuôn khổ tài chính và kinh tế của EU sẽ hỗ trợ tính bền vững của chương trình tài khóa trong dài hạn”.

Tin bài liên quan