Tuyên bố này được bà Kristalina Georgieva, tân Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra vào thứ Ba (8/10).
Xung đột thương mại khiến tăng trưởng kinh kế toàn cầu giảm mạnh
"Đối với nền kinh tế toàn cầu, tác động tổng hợp của xung đột thương mại có thể khiến thế giới mất khoảng 700 tỷ USD vào năm 2020, tương đương khoảng 0,8% GDP. Trước đây chúng ta đã nói về mối hiểm họa của tranh chấp thương mại. Hiện tại, chúng ta thấy rõ, chúng thực sự đem đến những hậu quả tiêu cực - sự tăng trưởng của thương mại toàn cầu thực tế đã dừng lại”, bà Kristalina Georgieva cho biết.
Người đứng đầu IMF kêu gọi cộng đồng quốc tế "cùng nhau tìm ra giải pháp lâu dài trong thương mại", đồng thời khuyến nghị chú ý đến các vấn đề về trợ cấp, quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
“Đặc biệt, chúng ta cũng cần một hệ thống thương mại toàn cầu hiện đại hơn, nhất là mở khóa hoàn toàn tiềm năng của thương mại điện tử. Điều chính yếu là nâng cấp hệ thống và không bỏ cuộc”, bà Georgieva nhấn mạnh trong bài phát biểu đầu tiên của mình với tư cách là Giám đốc điều hành của IMF.
Xung đột thương mại gay gắt nhất hiện nay là tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc, cuộc chiến đã kéo dài hơn một năm qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cố gắng giảm thâm hụt thương mại bằng các biện pháp nhằm vào thuế quan và Bắc Kinh, không đồng ý với các chính sách của Washington, đang đáp trả bằng các biện pháp tương tự.
Ngoài ra, mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng rạn nứt từ năm 2018, sau khi Washington áp thuế hải quan đối với thép và nhôm nhập khẩu từ EU, động thái gây ra sự chỉ trích mạnh mẽ từ các nước EU, bao gồm cả các đồng minh của Mỹ. Bên cạnh đó, xung đột giữa Boeing và Airbus vẫn dai dẳng.
IMF cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm ở gần 90% các quốc gia trên thế giới, và năm 2019 sẽ trở thành năm kém phát triển nhất kể từ đầu thập kỷ này.
Bà Georgieva nhắc lại rằng, mới hai năm trước, nền kinh tế thế giới còn ở trong quá trình phục hồi đồng bộ và tăng trưởng kinh tế của 75% các quốc gia trên thế giới đã tăng tốc, còn hiện tại, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại.
Theo bà Georgieva, tuần tới, IMF sẽ công bố một báo cáo phân tích và dự báo mới về tình trạng và triển vọng trước mắt của nền kinh tế toàn cầu.
Người đứng đầu IMF cảnh báo, tình hình hiện tại có thể dẫn đến phá vỡ chuỗi bán hàng, khiến các khu vực thương mại rời rạc và xuất hiện “bức tường Berlin kỹ thuật số”, buộc các nước phải lựa chọn giữa các hệ thống công nghệ.
Bà Georgieva nhấn mạnh, những vấn đề như vậy có thể "kéo dài cả một thế hệ". Và theo quan điểm của bà, liên quan đến một nền kinh tế kết nối, "nhiều quốc gia khác sẽ sớm cảm nhận được tác động của những xung đột này".
Mức nợ cao và lãi suất thấp
Theo IMF, nếu suy thoái kinh tế xảy ra, rủi ro vỡ nợ doanh nghiệp lên tới 19.000 tỷ USD, tương đương gần 40% tổng nợ của tám nền kinh tế lớn nhất (bao gồm Vương quốc Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Trung Quốc, Mỹ, Pháp và Nhật Bản). Đây là mức cao hơn cả mức quan sát được trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trước.
Giám đốc điều hành IMF cũng chỉ ra vấn đề trong việc việc áp dụng các chính sách tiền tệ.
"Khi thích hợp, các ngân hàng trung ương nên giữ lãi suất ở mức thấp. Tuy nhiên, lãi suất thấp kéo dài cũng dẫn đến mặt tiêu cực và hậu quả không lường trước được", bà Georgieva cảnh báo.
"Lãi suất thấp cũng khuyến khích các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao hơn ở các thị trường mới nổi. Điều này dẫn đến nhiều nền kinh tế nhỏ trải qua sự thay đổi đột ngột trong dòng vốn", bà Georgieva cho biết thêm.
Cuối cùng bà Georgieva nhấn mạnh, chính sách tài khóa cần được chú trọng và nên đóng vai trò trung tâm để quản lý nợ một cách tốt hơn và kiềm chế sự biến động.