IMF: Còn nhiều rủi ro với kinh tế toàn cầu

IMF: Còn nhiều rủi ro với kinh tế toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về “Triển vọng Kinh tế thế giới”, IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 2,8% trong năm nay.

Tốc độ này chậm lại đáng kể so với mức tăng 3,4% đạt được trong năm 2022, nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với mức tăng trưởng của năm 2020, khi thời kỳ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất và các biện pháp phong tỏa mạnh tay khiến GDP của thế giới giảm 3,4%.

Tại chuỗi sự kiện mùa xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), bộ trưởng tài chính các nước nhìn chung lạc quan về sự vững vàng về nền kinh tế nước mình nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen nhận định: “Chắc chắn là tình hình đã tốt và sáng hơn so với lần gặp trước của chúng tôi hồi tháng 10”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp, Bruno Le Maire nhận định, triển vọng kinh tế toàn cầu có khó khăn hơn một chút nhưng châu Âu đang làm tốt.

Tuy nhiên bên cạnh sự lạc quan, giới chức của IMF và WB vẫn cảnh báo về một vấn đề có thể khiến nền kinh tế thế giới "chệch bánh" trong những tháng tới. Đó là lạm phát vẫn cao dai dẳng ở nhiều quốc gia, đặt ra khả năng các ngân hàng trung ương tiếp tục phải tăng lãi suất.

Xu hướng tăng của lãi suất có thể làm trầm trọng thêm thách thức mà nhiều nền kinh tế đang phải đối mặt như chi phí nhập khẩu lương thực tăng cao. Tỷ giá đồng USD đã hạ nhiệt từ đầu năm đến nay, nhưng có thể tăng trở lại nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất và giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn.

Lãi suất tăng cũng có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ngân hàng vốn sự ổn định vẫn còn khá mong manh. Áp lực trong lĩnh vực ngân hàng đã giảm bớt trong những tuần gần đây, nhưng IMF vẫn còn nhiều lo ngại như việc căng thẳng trong lĩnh vực tài chính có thể lan rộng sang các ngành, làm suy yếu nền kinh tế và buộc các ngân hàng trung ương phải xem xét lại chính sách của họ. Nguy cơ hạ cánh cứng, đặc biệt là đối với các nền kinh tế phát triển, theo IMF đã trở nên lớn hơn nhiều.

Theo kịch bản của IMF, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm nay, nhưng nếu căng thẳng trên thị trường tài chính gia tăng, tốc độ tăng trưởng có thể giảm xuống chỉ còn 2,5%, trong đó tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển sẽ giảm dưới 1%.

IMF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm 0,44% trong năm nay do năng lực ngành ngân hàng Mỹ được dự báo sẽ giảm 1%. Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là theo dõi những rủi ro tiềm ẩn trong các ngân hàng và các định chế phi ngân hàng hoặc trong những lĩnh vực như bất động sản thương mại”.

Nhiều định chế tài chính ở Mỹ đã thắt chặt hoạt động tín dụng để ứng phó với đợt tăng mạnh lãi suất của Fed. Điều này dẫn đến lo ngại rằng nhiều doanh nghiệp có thể khó tiếp cận các khoản vay ngắn hạn.

Tại các nền kinh tế mới nổi ở châu Âu, tốc độ tăng lãi suất chưa từng có và sự giảm tốc của các nền kinh tế Tây Âu đang đặt ra thách thức cho nhiều doanh nghiệp đã vay nợ nhiều trong thời gian lãi suất thấp. Chuyên gia kinh tế trưởng Beata Javorcik của Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) cảnh báo "gánh nặng" này có thể trở thành một “quả bom hẹn giờ".

Tin bài liên quan