IMF cảnh báo số người di cư và tị nạn chạm mức 3,7% dân số toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 15/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết số lượng người di cư và người tị nạn trên toàn thế giới đã tăng gần gấp đôi trong 30 năm qua, đạt 304 triệu người vào năm 2024 – tương đương khoảng 3,7% dân số toàn cầu.
Người di cư tìm cách vượt Eo biển Manche bằng thuyền phao, từ bờ biển Gravelines, gần Dunkirk, miền Bắc Pháp, ngày 26/4/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người di cư tìm cách vượt Eo biển Manche bằng thuyền phao, từ bờ biển Gravelines, gần Dunkirk, miền Bắc Pháp, ngày 26/4/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thông tin được trích từ báo cáo “Triển vọng Kinh tế Thế giới” của IMF, công bố trước thềm Hội nghị Mùa xuân thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới tại thủ đô Washington, Mỹ.

Báo cáo nêu rõ, gần 40% người di cư và tới 75% người tị nạn hiện đang sinh sống tại các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

Trong khi đó, IMF lưu ý rằng các nền kinh tế tiên tiến tiếp tục là nơi tiếp nhận một số nhóm người di cư lớn nhất, chủ yếu đến từ các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển. Tuy nhiên, tổ chức này cũng chỉ ra rằng kể từ đầu những năm 2000, dòng người di cư và tị nạn giữa các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đã tăng đáng kể và hiện chiếm gần một nửa tổng số lượng người di cư ròng toàn cầu.

Trong giai đoạn 2010 - 2024, 60% quốc gia ghi nhận mức tăng lớn nhất về số lượng người di cư và tị nạn nằm trong nhóm các nền kinh tế thị trường mới nổi lớn.

IMF cũng cảnh báo rằng những thay đổi trong chính sách về di cư và tị nạn có thể tạo ra tác động đáng kể, không chỉ đối với dòng người di cư mà còn đối với các nền kinh tế tiếp nhận. Dù những dòng chảy này hiện chỉ chiếm khoảng 2% dân số ở các nước phát triển, theo IMF, nhưng chúng có thể gây ra chi phí ngắn hạn – đặc biệt trong các trường hợp sự hội nhập thị trường lao động gặp khó khăn hoặc có sự chênh lệch lớn về kỹ năng.

Tuy nhiên, IMF cũng nhấn mạnh rằng trong dài hạn, di cư và tiếp nhận người tị nạn nếu được quản lý hiệu quả có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế và xã hội cho các quốc gia tiếp nhận.

Tin bài liên quan