IMF: Các ngân hàng trung ương châu Á có thể cần tiếp tục tăng lãi suất nếu lạm phát vẫn ở mức cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các ngân hàng trung ương châu Á có thể cần tăng lãi suất hơn nữa nếu lạm phát cơ bản không có dấu hiệu rõ ràng quay trở lại mức mục tiêu.
IMF: Các ngân hàng trung ương châu Á có thể cần tiếp tục tăng lãi suất nếu lạm phát vẫn ở mức cao

Trong một bài phân tích hôm thứ Ba (21/2), các nhà kinh tế Krishna Srinivasan, Thomas Helbling và Shanaka J. Peiris của IMF cho biết, các nhà hoạch định chính sách phải cảnh giác bất chấp lạm phát toàn phần đang chậm lại, vì lạm phát cơ bản (loại trừ giá năng lượng và thực phẩm) vẫn cao hơn mục tiêu.

Các nhà kinh tế cho biết, châu Á đã được hưởng lợi từ sự phục hồi của đồng nội tệ và việc giảm chi phí vận chuyển và hàng hóa toàn cầu, nhưng dữ liệu về tác động gián tiếp vẫn còn lẫn lộn, đồng thời việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng có thể làm tăng giá.

“Điều này có nghĩa là các ngân hàng trung ương nên thận trọng bằng cách tái khẳng định cam kết ổn định giá cả. Họ có thể cần tăng lãi suất hơn nữa nếu lạm phát cơ bản không có dấu hiệu rõ ràng trở lại mục tiêu. Với những rủi ro hai mặt đối với lạm phát ở Nhật Bản, việc linh hoạt hơn trong lợi suất dài hạn sẽ giúp tránh những thay đổi đột ngột sau đó”, các nhà kinh tế của IMF cho biết.

Cảnh báo được đưa ra khi nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang quay trở lại lập trường diều hâu trong bối cảnh áp lực giá cả dai dẳng, khiến các ngân hàng trung ương đứng trước khả năng phải tiếp tục tăng lãi suất.

Các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, các đợt tăng lãi suất lớn hơn đang được cân nhắc trở lại trong bối cảnh lạm phát nóng hơn dự kiến, trong khi ngân hàng trung ương Úc đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 10 năm vào đầu tháng này khi lạm phát cơ bản trong quý IV tăng 6,9% - vượt quá mức 6,5 % như dự báo. Lạm phát cơ bản của Ấn Độ cũng ở mức trên 6% trong tháng thứ 16 liên tiếp vào tháng 1, thúc đẩy những lời kêu gọi thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.

Theo dự báo mới nhất của IMF, lạm phát gia tăng sẽ đe dọa tăng trưởng kinh tế của châu Á trong năm nay, mặc dù năm 2023 được kỳ vọng sẽ là tích cực đối với châu Á với tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể đạt 4,7% trong năm nay từ mức 3,8% vào năm 2022.

“Điều này sẽ khiến khu vực này trở thành khu vực năng động nhất trong số các khu vực lớn trên thế giới và là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại”, IMF cho biết.

Tin bài liên quan