Các tổ chức điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế
Các tổ chức quốc tế đang đưa ra những nhận định khác nhau về tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023. Một số tổ chức quốc tế điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 so với những dự báo đưa ra trước đó. Tuy nhiên, những con số đưa ra vẫn ở mức thấp, điều này phản ánh việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, đặc biệt ở các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Fitch Ratings (FR) nhận định triển vọng tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới trong ngắn hạn được cải thiện đáng kể khi đạt mức 2% năm 2023, tăng 0,6% so với dự báo trong tháng 12/2022.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo đạt mức 2,6%, tăng 0,4% so với dự báo trong tháng 11/2022.
Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên hợp quốc (UNDESA) lại đưa ra dự báo kém lạc quan hơn về tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 trong các báo cáo đầu năm 2023. Theo báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 1, WB nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 1,7% năm 2023, thấp hơn 1,3% so với dự báo trong tháng 6/2022.
Trong báo cáo triển vọng và tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới tháng 2, UNDESA nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 chỉ đạt 1,9%, giảm 1,2% so với dự báo trong tháng 6/2022.
Tại khu vực Đông Nam Á, WB nhận định, tốc độ phục hồi nền kinh tế của các quốc gia sau suy thoái do đại dịch COVID-19 khá khác nhau. Tăng trưởng GDP của Indonesia, Malaysia và Thái Lan dự báo lần lượt ở các mức 4,8%, 4% và 3,6% năm 2023, tương ứng giảm 0,5%, 0,5% và 0,7% so với dự báo hồi tháng 6/2022.
WB điều chỉnh giảm nhẹ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Philippines và Việt Nam ở mức 5,4% và 6,3%, đều giảm 0,2%, do hưởng lợi từ việc tăng giá tiêu dùng cá nhân và tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa.
6 nhân tố rủi ro chính có khả năng làm giảm tốc độ tăng trưởng
IMF chỉ ra 6 nhân tố rủi ro chính có khả năng làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thứ nhất, quá trình phục hồi nền kinh tế của Trung Quốc có thể gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh mức độ miễn dịch cộng đồng vẫn còn thấp và các bệnh viện không đủ đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân, những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe có thể cản trở quá trình phục hồi nền kinh tế nước này.
Hơn nữa, khủng hoảng mạnh đến từ thị trường bất động sản ở Trung Quốc với rủi ro vỡ nợ cao của các nhà đầu tư bất động sản có thể dẫn đến khủng hoảng trong khu vực tài chính.
Thứ hai là xung đột ở Ukraine. Cuộc xung đột tại Ukraine vẫn là nguyên nhân gây ảnh hưởng tiêu cực với châu Âu và các nước có thu nhập thấp.
Thứ ba là khó khăn về nợ công. Ước tính khoảng 15% các nước có thu nhập thấp ở trong tình trạng khó khăn về nợ và khoảng 25% nền kinh tế mới nổi đối mặt với nguy cơ nợ cao. Sự kết hợp giữa mức nợ cao do đại dịch, tăng trưởng kinh tế thấp hơn và chi phí trả nợ vay cao hơn đã khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế này trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là những nền kinh tế phải trả nợ bằng đồng USD trong ngắn hạn.
Rủi ro thứ tư và thứ năm là lạm phát kéo dài và tình hình địa chính trị có thể có những diễn biến phức tạp, những cuộc biểu tình và đình công có thể còn tiếp diễn. Tình trạng thị trường lao động thiếu nhân lực kéo dài có thể khiến tăng trưởng tiền lương mạnh hơn dự kiến, vô hình chung làm tăng lạm phát.
Rủi ro cuối cùng là việc sớm nới lỏng các điều kiện tài chính để ứng phó với lạm phát có thể làm phức tạp thêm những chính sách chống lạm phát và buộc phải thắt chặt tiền tệ hơn. Điều này có thể làm tăng biến động trên thị trường tài chính và ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản cũng như hoạt động của các thị trường lớn.