Phòng lab tiên tiến và hiện đại của Imexpharm

Phòng lab tiên tiến và hiện đại của Imexpharm

Imexpharm (IMP) sẵn sàng tăng trưởng, đầu tư cho tương lai

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Với những thành tựu đạt được trong nhiều năm qua cùng lợi thế khó sao chép đã và đang tạo tiền đề để Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm tăng trưởng và bứt phá trong tương lai.

Năng lực cốt lõi được chứng minh qua nhiều năm

Xuất phát từ Công ty Dược phẩm cấp II tại Đồng Tháp vào những năm đầu của thập niên 80, vượt qua bao khó khăn, Imexpharm đã có những bước chuyển mình mang tính lịch sử khi đầu tư nhà máy Nonbetalactam uống đạt tiêu chuẩn GMP-ASEAN đầu tiên của Việt Nam vào năm 1997. Điều này đã tạo tiền đề để Công ty liên tục đầu tư vào dây chuyền sản xuất, đảm bảo thuốc chất lượng cao. Imexpharm hiện sở hữu nhiều nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP nhất Việt Nam (với 11 dây chuyền sản xuất), trong đó cụm nhà máy IMP1 đóng góp cao nhất vào tổng doanh thu ở mức 50%, nhà máy IMP3 đóng góp 32% nhờ sản xuất các loại thuốc tiêm giá trị cao. Ngoài ra, nhà máy IMP4 trong năm hoạt động đầu tiên đã đóng góp 80 tỷ đồng vào tổng doanh thu.

Nhờ đầu tư sớm vào dây chuyền sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn cao, đảm bảo chất lượng thuốc đã và đang giúp Imexpharm đứng số 1 Việt Nam về thuốc kháng sinh với 9% thị phần. Công ty hiện có hơn 333 sản phẩm được cấp phép tại Việt Nam. Năm 2023, Imexpharm đăng ký thêm 11 số đăng ký cho 6 sản phẩm tại châu Âu, bao gồm các sản phẩm phức tạp như Ampicillin/Sulbactam, nâng tổng số giấy phép lưu hành tại khu vực này lên con số 27 cho 11 loại sản phẩm. Với sản phẩm chất lượng tiêu chuẩn châu Âu, Imexpharm đã xuất khẩu thành công sang thị trường mới như Mông Cổ và đã ký kết hợp đồng xuất khẩu vào các thị trường như Singapore, Malaysia, Philippines, Hồng Kông (Trung Quốc)... Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục đa dạng hóa danh mục sản phẩm, gia tăng đóng góp của các loại thuốc ho lên tới 10% tổng doanh thu. Nhận thấy tiềm năng của phân khúc vitamin và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Imexpharm đã đầu tư vào nhà máy chuyên dụng để sản xuất các sản phẩm này.

Imexpharm cũng là đơn vị dẫn đầu thị trường trên kênh ETC (kênh bệnh viện) đang phát triển nhanh chóng với doanh số bán hàng gấp 1,8 lần so với doanh nghiệp đứng thứ 2 trong nước. Tăng trưởng doanh thu ETC giai đoạn 2019-2023 bình quân đạt 20%/năm. Đối với kênh OTC (kênh nhà thuốc), nhờ nỗ lực gia tăng bao phủ mạng lưới đã giúp Công ty tăng mạnh số lượng nhà thuốc và phòng khám đối tác, đặc biệt tại thị trường phía Bắc.

Về kết quả kinh doanh, Imexpharm luôn duy trì tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ổn định qua nhiều năm. Cụ thể, đà tăng trưởng của cả doanh thu gộp và EBITDA đều vượt xa mức tăng của thị trường chung, cho dù kinh tế vĩ mô còn nhiều thách thức. Tỷ lệ tăng trưởng kép tổng hợp (CAGR) của lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2019-2023 lần lượt là 16,8%/năm và 16,5%/năm. CAGR của EBITDA trong 5 năm qua đạt 17,2%/năm, trong khi CAGR của vốn chủ sở hữu đạt 7,5% và CAGR của tổng tài sản đạt 6,7% cùng kỳ. Riêng năm 2023, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng kỷ lục, trong đó tổng doanh thu đạt 2.113 tỷ đồng, tăng 26% so với mức tăng chung của toàn ngành là 8%.

Bên cạnh nỗ lực đầu tư vào công nghệ, hoạt động R&D, đa dạng hóa sản phẩm đảm bảo sản xuất thuốc chất lượng cao với giá hợp lý, con người là yếu tố then chốt cho sự thành công của Công ty ngày hôm nay. Trong suốt gần 50 năm lịch sử, Imexpharm đã tạo ra môi trường làm việc thúc đẩy nhân viên phát triển kỹ năng nghề nghiệp, nhiệt huyết và tận tâm đóng góp cho sự phát triển bền vững của Công ty.

Sẵn sàng tăng trưởng - đầu tư cho tương lai

Theo IQVIA, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và sự quan tâm của Chính phủ đối với ngành y tế ngày càng tăng giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mức độ chi tiêu và tăng trưởng ngành dược cao nhất trong khu vực với CAGR giai đoạn 2022-2027 dự báo đạt 10,3%/năm. Với mô hình bệnh tật tại Việt Nam, kháng sinh (J01) vẫn là nhóm thuốc chiếm tỷ trọng cao nhất (12%) trong tổng giá trị thị trường ngành dược và dự kiến tiếp tục tăng trưởng kép giai đoạn 2022-2027 dự báo đạt 9,2%/năm. Theo đó, ngành dược dự báo tăng trưởng ở mức 8,4% trong năm 2024. Doanh thu kênh ETC tại các bệnh viện công dự kiến sẽ trở về mức bình thường (dự báo đạt 9,4% trong năm 2024) do kênh này đã phục hồi trong năm 2023. Kênh OTC dự kiến tăng trưởng chậm lại khi nguồn ngân sách chăm sóc y tế sẽ tiết giảm trong tình hình hiện nay.

Trước những dự báo của ngành cùng những lợi thế khó sao chép trong nhiều năm qua, Imexpharm tự tin đặt mục tiêu năm 2024 doanh thu gộp và doanh thu thuần tăng trưởng lần lượt 24% và 19% cùng với dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 12%. Chia sẻ về động lực tăng trưởng trong thời gian tới, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Imexpharm mới đây, Tổng giám đốc điều hành Trần Thị Đào cho biết, 2022-2023 là giai đoạn Imexpharm “đơm hoa kết trái” đối với các nhà máy EU-GMP, đây là tiền đề cho năm 2024 và là tầm nhìn cho những năm tới. Do vậy, Imexpharm quyết tâm để đạt được doanh số khai thác 100%.

Về cơ chế chính sách, trong Thông tư số 03/2024/TT-BYT của Bộ Y tế có ưu tiên cho 3 nhà sản xuất của 3 số đăng ký hội tụ đủ các điều kiện về giá, chất lượng và điều kiện cung ứng đáp ứng đủ thì không chào thầu nhập khẩu. Đó là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp trong nước tham gia cung ứng thuốc chất lượng với giá cả hợp lý cho bệnh viện. Ngoài ra, kênh OTC sẽ được khai thác và mở rộng ở khu vực miền Bắc. Do đó, năm 2024, Imexpharm sẽ tập trung cho kế hoạch phát triển khu vực này, góp phần vào tăng trưởng 12% như kế hoạch.

Về dài hạn, không chỉ dừng ở việc dẫn đầu thị trường về thuốc kháng sinh tại Việt Nam, Imexpharm sẽ đẩy mạnh phát triển thêm các sản phẩm mới có nhu cầu cao, phức tạp và khó sản xuất. Bên cạnh đó, sự thay đổi mô hình bệnh tật đang thúc đẩy nhu cầu đối với các nhóm thuốc điều trị các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, tim mạch và tiểu đường. Các nhóm sản phẩm này được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng hàng năm từ 11,6-13,2% đến năm 2027. Với tầm nhìn này, Imexpharm dự kiến triển khai xây dựng nhà máy IMP5 mới tại Cụm công nghiệp Dược Quảng Khánh, Đồng Tháp và hoàn thành, đưa vào hoạt động vào giai đoạn 2026-2027. Dòng sản phẩm mới bao gồm các thuốc điều trị tim mạch, tiểu đường, tai - mũi - họng, thuốc ho và tiêu hóa nhằm phục vụ thị trường trong nước và hướng đến cơ hội xuất khẩu.

Những chiến lược này đặt nền móng vững chắc cho tầm nhìn đến năm 2030 của Công ty, với kỳ vọng doanh thu tăng trưởng gấp 3 lần hiện nay, là bước tiến quan trọng trong việc củng cố vị thế của Imexpharm trên thị trường Dược phẩm khu vực, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về các giải pháp điều trị chất lượng cao tại Việt Nam.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, Imexpharm đạt doanh thu thuần 1.008 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Công ty tiếp tục phát huy vị thế dẫn đầu trên kênh ETC để đẩy mạnh tăng trưởng với doanh thu bán hàng trên kênh này trong nửa đầu năm tăng 33% so với cùng kỳ. Thị trường ETC Việt Nam tăng trưởng 15% theo số liệu quý I/2024. Do đó, Công ty kỳ vọng kết quả này đang vượt xa mức bình quân toàn thị trường.

Mặc dù doanh thu từ kênh OTC giảm 4% nhưng Imexpharm đã ghi nhận những kết quả ấn tượng khi đẩy mạnh hợp tác với các chuỗi nhà thuốc. Doanh thu bán hàng qua kênh chuỗi tăng 141% so với nửa đầu năm ngoái.

Trong 6 tháng đầu năm, Imexpharm ghi nhận lợi nhuận trước thuế và EBITDA ở mức 161 tỷ đồng và 215 tỷ đồng, giảm lần lượt 19% và 7% so với cùng kỳ bởi giá vốn hàng bán tăng 27% chủ yếu do khấu hao nhà máy IMP4 đi vào hoạt động từ nửa cuối năm 2023 và một phần bởi thị trường OTC còn khó khăn. Những yếu tố này đã được bù đắp nhờ sự kiểm soát hiệu quả chi phí bán hàng và chi phí quản lý với mức giảm 6% so với cùng kỳ xuống còn 213 tỷ đồng.

Imexpharm cũng đã linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất để thích ứng với sự thay đổi nhu cầu thị trường đối với từng phân khúc sản phẩm. Công ty ưu tiên và đẩy mạnh sản lượng các sản phẩm giá trị cao, đạt tiêu chuẩn EU-GMP. Nhờ đó, hiệu suất sản xuất của các nhà máy IMP2, 3, 4 được cải thiện đáng kể trong quý II/2024, giúp lợi nhuận trước thuế và EBITDA tăng lần lượt 7% và 6% so với quý trước đó, biên EBITDA ổn định ở mức 21%.

Imexpharm tin rằng, hiệu quả của các chiến dịch tiếp thị và bán hàng thực hiện xuyên suốt từ đầu năm sẽ phản ảnh vào kết quả kinh doanh tích cực trong nửa cuối năm, giúp cải thiện EBITDA và đưa Công ty hoàn thành các mục tiêu tài chính đã đề ra cho năm nay.

Tin bài liên quan