IIF: Thị trường Trung Quốc đang bị khối ngoại bán ròng cao kỷ lục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), thị trường Trung Quốc đã bị khối ngoại bán ròng với quy mô “chưa từng có” kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang vào cuối tháng 2, đánh dấu một sự thay đổi “rất bất thường” trong dòng vốn toàn cầu ở các thị trường mới nổi.

Trong một báo cáo hôm thứ Năm (24/3), IIF cho biết, dữ liệu cho thấy dòng tiền rút ròng lớn từ cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc, ngay cả khi dòng tiền sang các thị trường mới nổi khác vẫn được giữ lại.

Dòng vốn rút ròng khỏi thị trường cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc tăng kỷ lục

Dòng vốn rút ròng khỏi thị trường cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc tăng kỷ lục

“Dòng vốn rút ròng khỏi Trung Quốc về quy mô và cường độ mà chúng tôi đang thấy là chưa từng có, đặc biệt là vì chúng tôi không thấy dòng vốn rút ròng tương tự từ phần còn lại của các thị trường mới nổi. Thời điểm mà hiện tượng này xảy ra là sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang – điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài có thể đang nhìn nhận Trung Quốc theo một góc nhìn mới, mặc dù còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận chính xác nào về vấn đề này”, Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng IIF cho biết.

Dữ liệu cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã giảm nắm giữ trái phiếu chính phủ Trung Quốc nhiều nhất trong tháng 2, một phần do căng thẳng Nga-Ukraine đã thúc đẩy các nhà đầu tư thu nhập cố định trên toàn cầu thực hiện bán ra. Các lệnh trừng phạt đã đóng băng dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Nga bằng đồng euro và đô la, dẫn đến suy đoán rằng Moscow có thể bán tài sản Trung Quốc đang nắm giữ để huy động vốn.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng sụt giảm vào đầu tháng này khi các nhà đầu tư nước ngoài rút lui, một phần do lo ngại các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu đối với Nga bằng cách nào đó có thể ảnh hưởng sang Trung Quốc. Thị trường chứng khoán đã hồi phục kể từ tuần trước khi các nhà hoạch định chính sách cam kết hỗ trợ thị trường vốn.

Padhraic Garvey, người đứng đầu chiến lược lãi suất và nợ toàn cầu tại ING Financial Markets cho biết, còn quá sớm để nói liệu đó có phải là xu hướng hay không. Ông cho biết, dòng tiền rút ròng có thể chỉ ra rằng một số nhà đầu tư quyết định không tái đầu tư tiền thu được từ trái phiếu cho đến khi “rõ ràng hơn về cuộc khủng hoảng ở Nga”.

Tin bài liên quan