IFRS và Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) có sự khác biệt lớn, điều này đang gây khó cho áp dụng IFRS tại Việt Nam, thưa ông?
Điểm khác biệt lớn là VAS hạch toán theo nguyên tắc giá gốc, còn IFRS theo nguyên tắc giá thị trường (giá trị hợp lý). IFRS được xây dựng để áp dụng cho các nền kinh tế phát triển, khi mà các yếu tố thị trường đã phát triển đồng bộ, có thị trường thuận lợi cho định giá các loại tài sản theo giá thị trường. Các yếu tố này chưa có được đầy đủ ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nên việc áp dụng nguyên vẹn bộ Chuẩn mực IFRS gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như vì những lợi ích rõ nét mà IFRS đem lại cho nền kinh tế từ kinh nghiệm của nhiều nước như: cải thiện tính minh bạch và mức độ tin cậy về thông tin tài chính của các doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp…, nên Việt Nam đang có những bước đi quan trọng để chuẩn bị áp dụng IFRS.
Cụ thể, “Chiến lược phát triển kế toán - kiểm toán Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030” đã khẳng định, Việt Nam quyết tâm áp dụng IFRS, đồng thời Luật Kế toán 2015 có hiệu lực từ 1/1/2017, đã bổ sung nguyên tắc giá trị hợp lý. Đây là những bước chuẩn bị chủ động, cần thiết để tiến đến áp dụng IFRS.
Hiện có nhiều ý kiến cho rằng nên áp dụng IFRS trước đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán, vì có nhiều yếu tố thuận cho định giá tài sản theo giá trị hợp lý. Lộ trình triển khai IFRS dự kiến sẽ như thế nào, thưa ông?
Cùng với những bước đi trên, cơ quan quản lý đang nghiên cứu, sửa đổi các quy định pháp lý để tiến tới áp dụng IFRS. 26 chuẩn mực kế toán đang áp dụng sẽ được sửa đổi, bổ sung. Trước mắt, sẽ bổ sung các quy định riêng về áp dụng IFRS cho các doanh nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp niêm yết trên TTCK, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ áp dụng sau. Sau khi Luật Kế toán 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, dự kiến, Việt Nam sẽ bắt đầu áp dụng IFRS trong giai đoạn 2017 - 2018.
Ông Đặng Thái Hùng
Từ kinh nghiệm triển khai IFRS ở nhiều nước, các chuyên gia quốc tế khuyến nghị Việt Nam nên áp dụng nguyên vẹn bộ Chuẩn mực IFRS, thay vì chỉ áp dụng từng phần theo kiểu “Việt Nam hóa IFRS”, vì như vậy sẽ gây khó cho NĐT nước ngoài khi vào Việt Nam đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Việt Nam chọn hướng áp dụng nào, thưa ông?
Song hành với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, công cụ kế toán và kiểm toán của Việt Nam đã được cải cách, hoàn thiện phù hợp. Trong đó, việc áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán, kiểm toán đã được luật hóa.
Khi mà nền kinh tế thị trường đang dần hoàn thiện, TTCK đang phát triển, đầu tư nước ngoài mở rộng mạnh mẽ, thì việc áp dụng IFRS là yêu cầu cần thiết, cấp bách, khách quan. Tuy nhiên, áp dụng IFRS vào điều kiện cụ thể của Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thị trường chuyển đổi đòi hỏi cần có lộ trình phù hợp, để từng bước tiến tới áp dụng hoàn toàn IFRS.
Theo ông, việc sớm áp dụng IFRS sẽ góp phần cải thiện tính minh bạch và sức hấp dẫn cho TTCK, qua đó gia tăng khả năng thu hút dòng vốn ngoại?
Báo cáo Việt Nam 2035 đề xuất các chuẩn mực kế toán Việt Nam cần thống nhất với IFRS, nhằm phát triển thị trường vốn theo chiều sâu và thu hút hơn nữa NĐT nước ngoài… Chúng ta đang đi những bước cụ thể để hiện thực hóa định hướng lớn này.
Qua kinh nghiệm triển khai IFRS trên thế giới, sau khi áp dụng IFRS sẽ cải thiện tính minh bạch và mức độ tin cậy về thông tin của các doanh nghiệp niêm yết và TTCK. Điều này cùng với IFRS là ngôn ngữ kế toán quốc tế, nên sẽ gia tăng niềm tin trong giới đầu tư, đặc biệt là NĐT nước ngoài.
Do đó, chúng ta kỳ vọng, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác, sau khi áp dụng rộng rãi IFRS, sẽ góp phần gia tăng minh bạch thông tin từ gốc cho TTCK, từ đó hỗ trợ thị trường, cũng như doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư nước ngoài tốt hơn.