Lạc lõng vì chậm
Theo Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính, cập nhật từ Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) cho thấy, đến nay đã có 131/143 quốc gia và vùng lãnh thổ được IASB khảo sát tuyên bố cho phép áp dụng IFRS dưới các hình thức khác nhau. Trong đó, có 119 quốc gia và vùng lãnh thổ yêu cầu bắt buộc sử dụng các chuẩn mực của IFRS đối với tất cả, hoặc hầu hết các đơn vị có lợi ích công chúng.
Trong khi IFRS đã trở thành luật chơi phổ biến trên toàn cầu, thì Việt Nam là một trong số ít các quốc gia chưa có tuyên bố về áp dụng IFRS, dù giữa năm 2017, Bộ Tài chính đã thành lập Ban Chỉ đạo và Ban soạn thảo “Ðề án áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế tại Việt Nam”.
Việc chậm triển khai IFRS, theo Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, do nhiều nguyên nhân. Trước hết, thị trường vốn, thị trường tài chính chưa phát triển đủ mạnh, một số công cụ tài chính như trái phiếu chuyển đổi, công cụ phái sinh... chưa được giao dịch rộng rãi, nên hầu hết các doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm trong thực hiện giao dịch và hạch toán các nội dung kinh tế liên quan, dẫn đến không phải lúc nào cũng có thể cung cấp thông tin về giá trị hợp lý một cách đáng tin cậy. Trong khi đó, đây là yếu tố mang tính quyết định để áp dụng IFRS.
Do IFRS yêu cầu một số kỹ thuật phức tạp và thực hiện một số đánh giá mang tính chủ quan, như việc thực hiện các ước tính về giá trị hợp lý khi không có giá niêm yết trên thị trường, giá trị có thể thu hồi, tổn thất tài sản của đơn vị tạo tiền và lợi thế thương mại, xác định giá trị hiện tại của dòng tiền tương lai…, trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa có đủ năng lực và trình độ, nên nếu không có một thời gian chuẩn bị, thì việc áp dụng IFRS sẽ khó thành công.
Bên cạnh đó, IFRS được soạn thảo bằng tiếng Anh, nên rào cản ngôn ngữ cũng là một khó khăn cho triển khai. Khi xảy ra tranh chấp giữa doanh nghiệp và kiểm toán, thanh tra…, rào cản ngôn ngữ có thể là một trong những nguyên nhân gây tranh cãi nhiều nhất.
Ngoài ra, việc thiếu các chuyên gia có kinh nghiệm trong thực hành IFRS, đại bộ phận kế toán viên đều chưa được đào tạo về IFRS, nên sự sẵn sàng áp dụng IFRS còn hạn chế, đó là chưa kể nhiều doanh nghiệp có tâm lý ngại thay đổi.
Ðiều đáng nói là việc chậm trễ áp dụng IFRS đang gây nên những hệ lụy nhãn tiền, chứ không phải... vô hại! Dưới góc nhìn của tổ chức kiểm toán, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Deloitte Việt Nam cho biết, ngay cả khi doanh nghiệp Việt Nam công bố thông tin báo cáo tài chính (BCTC) bằng tiếng Anh, nhưng việc lập báo cáo này không theo chuẩn của ngôn ngữ kế toán quốc tế, thì vẫn khiến nhà đầu tư nước ngoài khó tiếp cận thông tin. Ðiều này ảnh hưởng đến nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK), cũng như gia tăng thu hút vốn ngoại vào Việt Nam.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận xét, Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và IFRS quy định khác nhau về form mẫu báo cáo, cách trình bày các chỉ tiêu, dẫn tới khó hiểu cho nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, theo VAS, các thay đổi về vốn chủ sở hữu chưa được lập thành một báo cáo riêng, mà chỉ là một phần trong thuyết minh BCTC. VAS cũng không yêu cầu cầu tiết lộ các phán đoán chính, các giả định về tương lai và các nguồn dự đoán không chắc chắn của ban quản trị công ty.
Về đánh giá lại tài sản tài chính, VAS chưa có quy định cho phép đánh giá lại tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý tại thời điểm báo cáo. Ðiều này ảnh hưởng đến việc kế toán các tài sản và nợ phải trả được phân loại là công cụ tài chính, làm giảm tính trung thực, hợp lý của BCTC và chưa phù hợp với IFRS.
Nên áp dụng sớm với doanh nghiệp niêm yết
Thứ trưởng Bộ Tài chính Ðỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, dù muốn hay không, Việt Nam phải áp dụng IFRS. Theo yêu cầu của Chính phủ, trong kế hoạch 2011 - 2020, cũng như chiến lược đang xây dựng cho giai đoạn 2021 - 2030, phải thực hiện chuẩn mực quốc tế với BCTC, nhằm tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh công khai, minh bạch, thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước.
Ðược biết, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Ðề án “Áp dụng chuẩn mực IFRS tại Việt Nam” sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, tổ chức nghề nghiệp về kế toán kiểm toán, doanh nghiệp và các đối tượng khác có liên quan.
Ðể việc áp dụng IFRS tại Việt Nam đạt hiệu quả, theo ông Ðỗ Hoàng Anh Tuấn, cần có sự hợp tác giữa cơ quan nhà nước, các hội nghề nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế trong việc thực hiện các nội dung về xây dựng và triển khai Ðề án khi lộ trình được phê duyệt. Việc này sẽ góp phần hỗ trợ Bộ Tài chính hoàn thiện cơ chế, chính sách khi áp dụng IFRS tại Việt Nam và hoàn thành mục tiêu trình Chính phủ phê duyệt Ðề án trước ngày 30/4/2019.
Nhằm đảm bảo tính khả thi trong triển khai chuẩn mực này tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, cần sớm áp dụng thí điểm với các doanh nghiệp niêm yết, trước tiên là với các doanh nghiệp quy mô lớn. Lý do là bởi, các doanh nghiệp này có mặt bằng minh bạch thông tin theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế tốt hơn so với các khu vực doanh nghiệp khác. Ngoài ra, đây là những doanh nghiệp có nguồn lực cả về con người, tài chính, để có khả năng tổ chức triển khai sớm IFRS.
Theo Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, từ kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam cần cân nhắc lựa chọn 1 trong 3 cách thức triển khai IFRS: áp dụng toàn bộ IFRS; áp dụng IFRS từng phần (theo lộ trình cho từng nhóm chuẩn mực); áp dụng IFRS có điều chỉnh để tiệm cận với chuẩn mực BCTC quốc tế và phù hợp với đặc điểm nền kinh tế.
Áp dụng IFRS sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho nhà đầu tư
Ông Vũ Ðức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính
Khi áp dụng IFRS tại Việt Nam, chất lượng BCTC của doanh nghiệp sẽ được cải thiện một cách rõ rệt thông qua nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường tính minh bạch và khả năng so sánh, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho người sử dụng báo cáo để đưa ra các quyết định quản lý, điều hành và đầu tư.
Áp dụng IFRS còn tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Số lượng các công ty đa quốc gia tại Việt Nam sẽ gia tăng mạnh, vì các doanh nghiệp này sẽ giảm bớt chi phí chuyển đổi BCTC được lập theo chuẩn mực kế toán Việt Nam sang chuẩn IFRS để hợp nhất với công ty mẹ ở nước ngoài. Ngoài ra, áp dụng IFRS tạo thuận lợi trong công tác đánh giá, quản lý, giám sát tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Cần áp dụng luôn IFRS cho các doanh nghiệp lớn trên TTCK
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Deloitte Việt Nam
Có một điều quan trọng mà nhiều năm qua chúng ta bàn để nâng TTCK lên hạng mới nổi là cải thiện tính minh bạch, công khai thông tin thị trường, qua đó bảo đảm quyền tiếp cận thông tin cho nhà đầu tư. Thế nhưng, vấn đề tính minh bạch về thông tin trên BCTC chưa được đặt ra cụ thể thế nào là minh bạch, minh bạch mức nào là đủ?
Chúng ta khuyến khích doanh nghiệp dịch BCTC sang tiếng Anh, trong khi ngôn ngữ lập BCTC theo chuẩn quốc tế mới là quan trọng. Hệ quả là ngay cả khi nhà đầu tư đọc BCTC của doanh nghiệp Việt Nam bằng tiếng Anh nhưng vẫn không hiểu, vì báo cáo này được lập theo chuẩn kế toán của Việt Nam. Kết cục là để giúp nhà đầu tư nước ngoài hiểu BCTC được lập theo chuẩn kế toán Việt Nam và thể hiện dưới dạng tiếng Anh, các công ty kiểm toán phải có báo cáo phân tích, giải thích cụ thể.
Ðể khắc phục tình trạng trên, Việt Nam nên thí điểm áp dụng IFRS, trước hết là với các doanh nghiệp trên TTCK. Trong đó, có thể áp dụng ngay với các doanh nghiệp trong rổ chỉ số VN30, các doanh nghiệp lớn có nhu cầu huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Qua quan sát, chúng tôi phát hiện ngay cả những doanh nghiệp lớn trên TTCK khi gọi vốn ngoại mà thông tin không được lập theo IFRS thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan ngại. Ngược lại, với những trường hợp BCTC lập theo IFRS, thì nhà đầu tư có mức độ tin cậy cao hơn về doanh nghiệp.