Nhiều sự ủng hộ
Đã có quá trình làm quen với minh bạch thông tin, nên khi Bộ Tài chính phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam với đề xuất áp dụng trước tiên với các công ty niêm yết, ý kiến từ nhiều doanh nghiệp đều ủng hộ và sẵn sàng áp dụng.
“Việc triển khai IFRS cho các doanh nghiệp nói chung, công ty niêm yết nói riêng là cần thiết, qua đó góp phần cải thiện tính minh bạch và chuyên nghiệp cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Áp dụng IFRS sẽ giúp nâng cao uy tín của doanh nghiệp niêm yết trong con mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước, nên sẽ tốt cho thị trường chứng khoán. Tại HCM, sự ủng hộ của các cổ đông, Hội đồng quản trị cho áp dụng IFRS rất mạnh mẽ...”, ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM (HCM) chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán.
Ông Giang cho biết thêm, thực tế, hiện có không ít doanh nghiệp niêm yết vì các mục đích khác nhau nên lập báo cáo tài chính theo cả chuẩn mực IFRS và Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS).
Điều này khiến doanh nghiệp tốn kém cả về thời gian lẫn chi phí. Nay quy định pháp lý cho phép triển khai IFRS sẽ khắc phục được tình trạng này, mang lại lợi ích cả cho doanh nghiệp lẫn thị trường chứng khoán.
“Việc chuyển sang áp dụng IFRS sẽ phải tốn kém không ít nguồn lực ban đầu, nhưng chúng tôi vẫn mong muốn thực hiện sớm vì những lợi ích mang lại không chỉ cho ngân hàng cả trong trước mắt lẫn dài hạn, mà cho toàn thị trường chứng khoán, cho cổ đông, nhà đầu tư...”, phó tổng giám đốc một ngân hàng quy mô lớn đang niêm yết trên HOSE chia sẻ.
Cũng bày tỏ sự ủng hộ, ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán An phát (APG) cho biết, khi cơ quan quản lý yêu cầu áp dụng IFRS trước với các doanh nghiệp niêm yết, APG sẵn sàng triển khai. Tuy nhiên, do quy mô còn hạn chế nên APG cần có thời gian chuẩn bị về con người, hệ thống công nghệ thông tin... để đáp ứng các yêu cầu của IFRS.
Vẫn còn trăn trở
Khi áp dụng IFRS, các doanh nghiệp sẽ phải tốn nhiều chi phí đào tạo lại nguồn nhân lực, thay đổi hệ thống thông tin kế toán...
Về khách quan, việc triển khai IFRS khiến doanh nghiệp đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là với các doanh nghiệp niêm yết quy mô nhỏ.
Chẳng hạn, khi áp dụng IFRS, các doanh nghiệp sẽ phải chi thêm tiền để đào tạo lại nguồn nhân lực, thay đổi hệ thống thông tin, phần mềm kế toán..., mà chi phí này trên thực tế là không nhỏ.
Mặt khác, IFRS hướng đến trình bày các khoản mục của báo cáo tài chính (BCTC) theo giá trị hợp lý, phù hợp với diễn biến của nền kinh tế thị trường tại thời điểm báo cáo.
Để đáp ứng được yêu cầu của IFRS, đòi hỏi phải có thị trường hoạt động chuyên nghiệp để cung cấp được các thông số tài chính đáng tin cậy khi thực hiện một số kỹ thuật như xác định giá trị hợp lý, lãi suất hiệu lực, tổn thất tài sản..., trong khi không ít các mảng thị trường ở Việt Nam hoạt động chưa thực sự theo quy luật thị trường như thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, do IFRS hướng đến phản ánh các giao dịch của nền kinh tế phát triển với nhiều loại công cụ tài chính phức tạp, chẳng hạn các công cụ phái sinh, nên việc áp dụng IFRS đối với một nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam có khả năng gặp khó khăn trong ngắn hạn.
Khi áp dụng IFRS, thông tin tài chính của doanh nghiệp sẽ được trình bày xác thực hơn, thận trọng hơn, song điều này có thể làm cho báo cáo tài chính không được “đẹp” như hiện nay.
Nếu lãnh đạo doanh nghiệp không có ý thức tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, không sẵn sàng công khai “sức khỏe” tài chính, thì đây sẽ là lực cản đối với áp dụng IFRS.
Đặc biệt, đối với các công ty niêm yết, nếu kết quả kinh doanh liên tục bị lỗ có thể ảnh hưởng đến việc duy trì điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Để giải quyết vấn đề này, các yêu cầu về duy trì điều kiện niêm yết cần được xem xét và sửa đổi cho phù hợp với bối cảnh doanh nghiệp áp dụng IFRS.
Ở Việt Nam, hiện có 3 loại văn bản quy phạm pháp luật cùng tác động đến công tác tài chính của doanh nghiệp là chuẩn mực kế toán, chính sách thuế và cơ chế tài chính.
Điều này dẫn đến sự chồng chéo, không nhất quán trong cách thức tiếp cận và áp dụng các chính sách này do doanh nghiệp, cũng như cơ quan quản lý nhà nước chưa phân biệt rõ phạm vi áp dụng của chuẩn mực kế toán, chính sách thuế và cơ chế tài chính.
Điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vì cùng một vấn đề, nhưng chuẩn mực kế toán và cơ chế tài chính có thể xử lý khác nhau.
Ví dụ, các quy định không nhất quán về trích lập dự phòng, trích khấu hao tài sản cố định, xử lý chênh lệch tỷ giá… làm cho doanh nghiệp lúng túng khi áp dụng pháp luật và giảm khả năng so sánh thông tin tài chính giữa các doanh nghiệp. Đây là vấn đề cần được khắc phục để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp áp dụng IFRS.