Trên toàn cầu, hòa giải thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế tòa án phổ biến và được ưa chuộng trong giới kinh doanh với sự hỗ trợ của một ên thứ ba trung lập và độc lập - hòa giải viên.
Hòa giải viên sử dụng nhiều nghiệp vụ khác nhau để dẫn dắt quy trình hòa giải theo hướng xây dựng và giúp các bên đạt được một giải pháp lâu dài và cùng có lợi. Điều này giúp các bên không phải theo đuổi quy trình tố tụng tòa án kéo dài và tốn kém.
Ở Việt Nam, Nghị định về Hòa giải Thương mại được ban hành vào tháng 2/2017 khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp sử dụng hòa giải như một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế cho tòa án. Kết quả hòa giải được pháp luật công nhận và quy định cơ chế thi hành.
Nhằm thúc đẩy các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế, hôm nay, IFC - phối hợp với Câu lạc bộ Các Luật sư thương mại quốc tế Việt Nam (VBLC) và Học viện Tư pháp - tổ chức một hội thảo tại TP.HCM để cung cấp cho những người tham dự cái nhìn tổng quan về hòa giải thương mại – hiện là một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế phổ biến ở khu vực Đông Á.
Hội thảo cũng phân tích làm rõ vai trò của luật sư trong việc giúp khách hàng tham gia quy trình hòa giải.
Những người tham dự hội thảo cũng có cơ hội học hỏi kinh nghiệm sử dụng hòa giải trong giải quyết tranh chấp thương mại và vai trò của luật sư ở các nước khu vực Đông Á như Hồng Kông, Singapore và Hàn Quốc.
Các chuyên gia quốc tế đã lý giải tại sao doanh nghiệp nên xem xét việc giải quyết tranh chấp thương mại thông qua hòa giải. Hiện nay, các công ty ở Việt Nam có thể sử dụng các dịch vụ hòa giải của Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).
Ông Đặng Xuân Hợp, Chủ tịch VBLC cho biết, hòa giải vẫn còn khá mới mẻ đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, phương thức này sẽ nhanh chóng trở thành một lựa chọn giải quyết tranh chấp phổ biến cho các doanh nghiệp ở Việt Nam, đơn giản vì nó tốn ít chi phí, nhanh và hiệu quả.
“Luật sư có thể hỗ trợ để phổ biến phương thức hòa giải một cách hiệu quả bằng việc khuyến nghị khách hàng sử dụng hòa giải và trợ giúp khách hàng trong suốt quy trình hòa giải một cách nhanh nhất và đạt hiệu quả về chi phí cao nhất”, ông Hợp chia sẻ.
Ngoài các hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, IFC, với sự hỗ trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), đã và đang hỗ trợ xây dựng năng lực cho các hòa giải viên Việt Nam.
Với sự hỗ trợ của IFC, 16 hòa giải viên đã được công nhận bởi Trung tâm Giải quyết Tranh chấp Hiệu quả (CEDR) có trụ sở tại London vào tháng 1/2018. Trung tâm uy tín này sẽ đào tạo thêm 18 hòa giải viên tiềm năng vàotháng 3/2018 để cung cấp cho họ các kỹ năng hòa giải cụ thể và các thực tiễn quốc tế tốt nhất về hòa giải.
“Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả bởi nó tiết kiệm thời gian và tiền bạc,” ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết.
Cũng theo ông Kyle, khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với thêm nhiều giao dịch thương mại, một cơ chế giải quyết tranh chấp gọn nhẹ sẽ giúp khu vực tư nhân có thêm tự tin để tham gia vào các giao dịch kinh doanh.