Ảnh Internet

Ảnh Internet

IFC mua 1.000 tỷ đồng trái phiếu do Đầu tư Nam Long (NLG) phát hành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Để giúp Việt Nam giải quyết nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đồng thời ứng phó với biến đổi khí hậu, IFC sẽ hỗ trợ CTCP Đầu tư Nam Long (NLG - sàn HOSE) phát triển dự án nhà ở xanh và bền vững tại một thành phố vệ tinh của TP.HCM.

Khoản đầu tư của IFC dự kiến sẽ tạo ra 1.500 việc làm, và kiến tạo một đô thị vệ tinh cung cấp nhà ở cho trên 50.000 người dân.

IFC đã đăng ký mua trái phiếu với tổng trị giá một nghìn tỷ đồng (khoảng 44 triệu USD) do CTCP Đầu tư Nam Long, doanh nghiệp phát triển bất động sản hàng đầu tại Việt Nam, phát hành. Nam Long sẽ sử dụng số tiền thu được từ phát hành trái phiếu cho giai đoạn hai của dự án nhà ở Waterpoint - dự án phát triển đô thị tích hợp tại tỉnh Long An, bao gồm không gian công cộng xanh, công trình thể thao, trường học, trường đại học, cơ sở y tế, cũng như công trình giao thông, bán lẻ và văn phòng.

“Khoản đầu tư của IFC sẽ nâng cao năng lực của chúng tôi để cung cấp thêm nhiều nhà ở cho nhóm dân số có thu nhập trung bình đang ngày càng mở rộng tại Việt Nam. Ngoài ra, hơn 5.000 căn hộ của dự án Waterpoint giai đoạn II, được xây dựng theo tiêu chuẩn công trình xanh EDGE của IFC - Thiết kế xuất sắc để đạt hiệu quả cao hơn - sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng của Việt Nam một cách bền vững,” ông Trần Xuân Ngọc, Tổng giám đốc Nam Long cho biết.

Là một sáng kiến của IFC, EDGE sẽ giúp dự án giảm tối thiểu 20% mức tiêu thụ năng lượng, nước, và năng lượng hàm chứa trong vật liệu so với các dự án nhà ở tương tự. Mức giảm tiêu thụ này sẽ giúp ngành xây dựng giảm phát thải khí nhà kính, vốn chiếm khoảng 28% tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm của cả nước.

Ông Alfonso Garcia Mora, Phó chủ tịch IFC phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang có chuyến thăm Việt Nam trong tuần này, cho biết, Việt Nam đã đặt mục tiêu kép trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đặt mức phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050, vì vậy việc tài trợ cho các dự án nhà ở như thế này mang lại nhiều lợi ích.

“Loại hình nhà ở bền vững về môi trường ở các đô thị vệ tinh có vai trò kết nối người dân với việc làm ở các trung tâm kinh tế - thương mại lớn, là một giải hiệu quả hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời giúp tăng nguồn cung nhà ở có chất lượng cho tầng lớp trung lưu đang gia tăng của Việt Nam", ông Alfonso Garcia Mora nói.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của Việt Nam đã dẫn đến tốc độ đô thị hóa nhanh với hơn 1/3 của tổng số 96,5 triệu dân sinh sống và làm việc ở khu vực thành thị. Trong tương lai, Việt Nam phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhà ở đáng kể - trên 370.000 đơn vị nhà ở mỗi năm - đặc biệt ở các khu công nghiệp và thành phố vệ tinh xung quanh Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hai trung tâm kinh tế của cả nước. Khi sản xuất trong nước được khôi phục trở lại, các dòng vốn đầu tư vốn có vai trò hết sức quan trọng đối với phục hồi kinh tế của Việt Nam, sẽ tiếp tục đổ về các trung tâm kinh tế thương mại này.

Tin bài liên quan