Theo đó, Hợp tác giữa thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới - IFC và SCIC sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp thuộc danh mục đầu tư của SCIC, góp phần thúc đẩy quá trình cổ phần hóa của chính phủ, thúc đẩy tăng trưởng và thu hút thêm đầu tư nước ngoài.
Trong 2 năm tới, IFC sẽ thực hiện đánh giá và xây dựng kế hoạch tăng cường quản trị công ty phù hợp với thông lệ quốc tế ở một số công ty thuộc danh mục đầu tư của SCIC.
IFC cũng sẽ tổ chức các chương trình đào tạo thường niên cho các thành viên hội đồng quản trị là người đại diện vốn của SCIC tại các doanh nghiệp SCIC đang nắm giữ cổ phần, tập trung vào các nội dung như hiệu quả của hội đồng quản trị, giám sát tài chính của hội đồng quản trị, minh bạch và công khai thông tin…
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC cho biết, quản trị công ty luôn là một trong những hoạt động ưu tiên của SCIC nhằm giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Theo ông Chi, số lượng doanh nghiệp mà SCIC hiện đang nắm giữ vào khoảng gần 200 doanh nghiệp. SCIC đang tiếp tục rà soát xem xét tổng thể, để tiếp tục quản trị hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm nâng cao giá trị doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi của nhà nước.
“Với sự hỗ trợ của IFC, chúng tôi hy vọng sẽ cập nhật những thông lệ quốc tế tiên tiến về quản trị và tìm kiếm thêm nhiều cơ hội đầu tư ở cả thị trường trong nước và quốc tế”, ông Chi nhấn mạnh.
IFC cũng sẽ hỗ trợ quá trình cổ phần hóa của chính phủ Việt Nam thông qua việc mua cổ phần ở các doanh nghiệp nhà nước hoặc huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Hai bên sẽ cân nhắc các cơ hội tham gia cổ phần hóa theo từng trường hợp cụ thể.
Số lượng doanh nghiệp mà SCIC hiện đang nắm giữ vào khoảng gần 200 doanh nghiệp.
- Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC
Ông Vivek Pathak, Giám đốc IFC phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết: “Hợp tác với SCIC là một phần trong nỗ lực của IFC, nhằm hỗ trợ quá trình cổ phần hóa các tài sản thuộc sở hữu của nhà nước và giúp đẩy mạnh sự phát triển của khu vực tư nhân với vai trò là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm tại Việt Nam".
"Chúng tôi tin chắc rằng kinh nghiệm toàn cầu và mối quan hệ rộng khắp của chúng tôi sẽ hỗ trợ hiệu quả cho quan hệ hợp tác với SCIC”, ông Vivek Pathak khẳng định.
Được biết, năm 2016 đánh dấu 60 năm hoạt động đầu tư và tư vấn của IFC nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân tại các nước đang phát triển.
Trải qua hơn hai thập kỷ hoạt động tại Việt Nam, IFC đã hỗ trợ khu vực tư nhân phát huy tối đa tiềm năng của mình và đóng vai trò động lực cho tăng trưởng kinh tế, góp phần vào sự thịnh vượng chung của Việt Nam.
Kể từ dự án đầu tư trực tiếp đầu tiên năm 1994, đến nay, tổng đầu tư của IFC tại Việt Nam lên tới 5,6 tỷ USD, hỗ trợ 120 dự án trên hàng loạt các lĩnh vực bao gồm hạ tầng, sản xuất, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, và tài chính - ngân hàng.