Đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đi qua Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận dài 78,5km được đầu tư giai đoạn đầu với quy mô 4 làn xe, với tổng mức đầu tư hơn 8.900 tỷ đồng
Thông tin từ Tập đoàn Đèo Cả cho biết, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) đề xuất cấp khoản vay nước ngoài 80 triệu USD (khoảng 1.800 tỷ đồng) cho dự án BOT Cam Lâm - Vĩnh Hảo do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư theo hình thức Khoản vay Xanh (Green loan) hoặc Trái phiếu Xanh (Green bond). Đơn vị kết nối là Công ty Chứng khoán Mirae Asset.
Được biết, khoản vay sẽ có kỳ hạn 10 năm, với lãi suất cố định trong suốt thời gian vay. Về hình thức vay, Đèo Cả và IFC sẽ có thảo luận chi tiết trong thời gian tới.
Trong bối cảnh vốn ngân sách nhà nước đang hạn hẹp, và các tổ chức tín dụng không mặn mà với các dự án BOT thì việc phát hành trái phiếu là giải pháp mở ra lối đi cho các nhà đầu tư có thể tham gia thực hiện các dự án cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Trước đó, ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, đã tiếp xúc nhiều nhà đầu tư đến từ Mỹ, Singapore, Hàn Quốc… đều muốn hợp tác và thành cổ đông chiến lược, do muốn tham gia vào công cuộc xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông tại Việt Nam.
Hiện Tập đoàn Đèo cả có nhiều công ty thành viên, trong đó có CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán HHV - UPCoM) có kế hoạch chuyển sàn niêm yết trên HOSE. Giá cổ phiếu HHV giai đoạn vừa qua tăng mạnh, hiện ở vùng 20.600 đồng/cổ phiếu với thanh khoản cải thiện tốt.
Mới đây, HHV đã hoàn tất thủ tục nới room ngoại lên 49%, đồng thời chia sẻ thông tin về việc có công ty tài chính đến từ California (Mỹ) đã gửi đề nghị mua 5 - 10% cổ phần.
Trong 6 tháng đầu năm, HHV ghi nhận doanh thu thuần 793 tỷ đồng, tăng mạnh 44% so với cùng kỳ 2020 chủ yếu nhờ nguồn thu từ các trạm thu phí, lãi ròng gần 123 tỷ đồng trong 6 tháng, gấp 5,3 lần cùng kỳ.