IFC đầu tư kỷ lục để hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân ở Đông Á và Thái Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng toàn cầu chồng chéo, IFC đã cam kết đầu tư hơn 5 tỷ USD từ ngày 1/7/2021 đến 30/6/2022 - mức cao nhất từ ​​trước đến nay ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Đầu tư kỷ lục của IFC cho khu vực Đông Á và Thái Bình Dương bao gồm 2,34 tỷ USD dưới hình thức vốn cổ phần, khoản vay và trái phiếu, bao gồm cả trái phiếu xã hội, dành cho các định chế tài chính trong khu vực để hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa - nhóm sử dụng lao động nhiều nhất ở Đông Á và Thái Bình Dương- là động cơ tăng trưởng của khu vực.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu vực đang phải hứng chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, IFC đã cung cấp 600 triệu USD đầu tư dài hạn trong các gói hỗ trợ ứng phó với Covid, kết hợp với 100 triệu USD tài trợ ngắn hạn để giúp các nhà xuất nhập khẩu trong khu vực tăng cường hoạt động giao thương, trong đó có kinh doanh thực phẩm và hàng hóa trong thời kỳ kinh tế toàn cầu có nhiều biến động. Tính chung trong ba năm tài chính 2020 đến 2022, IFC đã cam kết cung cấp 2,5 tỷ USD để ứng phó với đại dịch Covid-19, bao gồm 400 triệu USD tài trợ ngắn hạn.

“Với những thách thức toàn cầu chưa từng có, các cam kết kỷ lục của IFC đã giúp khu vực vượt qua những tác động của đại dịch Covid-19, duy trì việc làm và tập trung vào một lộ trình phục hồi xanh, thích ứng và toàn diện”, bà Kim-See Lim, Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của IFC cho biết.

Cũng theo bà Kim-See Lim, năm tài chính vừa qua đã chứng kiến ​​nhiều điều đầu tiên trong lĩnh vực khí hậu, trong đó có các đợt phát hành trái phiếu xanh giúp giải quyết ô nhiễm môi trường biển và hỗ trợ các quốc gia trong khu vực đạt được các mục tiêu khí hậu. Trái phiếu gắn với phát triển bền vững đầu tiên IFC đầu tư cũng là ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương.

Các cam kết của IFC bao gồm 1,2 tỷ USD để hỗ trợ các dự án khí hậu trên khắp khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, trong đó có các khoản tài trợ cho các giao dịch xanh và bảo vệ đại dương mang tính đổi mới sáng tạo cũng như cho các dự án năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng đô thị thông minh với khí hậu.

Cũng theo tông tin từ IFC, bà Ruth Horowitz sẽ tiếp quản nhiệm vụ là Phó chủ tịch Phụ trách Khu vực châu Á và Thái Bình Dương của IFC từ ông Alfonso Garcia Mora, hiện là Phó chủ tịch Phụ trách Khu vực châu Âu, Mỹ Latinh và Ca-ri-bê của IFC.

“Tôi rất vui khi được tham gia vào khu vực này và sẽ hợp tác chặt chẽ với đội ngũ cán bộ, khách hàng và các bên liên quan trong khu vực, đồng thời mong muốn được tiếp tục phát triển các hoạt động hỗ trợ có tầm ảnh hưởng lớn đến khu vực tư nhân dựa trên nền móng vững chắc đã được tạo lập,” bà Ruth Horowitz cho biết.

Bà Horowitz là một chuyên gia đầu tư toàn cầu với hơn 30 năm kinh nghiệm. Gần đây nhất, bà đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch phụ trách Bộ phận Huy động Vốn chủ sở hữu - Công ty Quản lý Tài sản (AMC) của IFC, là công ty đã huy động được 10,1 tỷ USD từ 13 quỹ. Trước khi gia nhập IFC với tư cách là Giám đốc Điều hành và Giám đốc của AMC, bà Horowitz đã làm việc cho Tập đoàn Lehman Brothers.

Bà Ruth Horowitz cho biết, khí hậu vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

“Châu Á đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định trận chiến chống biến đổi khí hậu sẽ thắng hay thua, vì vậy IFC sẽ tiếp tục làm việc với khu vực tư nhân để tăng cường tài chính trong khu vực, giúp các quốc gia đạt được mục tiêu về khí hậu, đồng thời theo đuổi những mục tiêu phát triển lớn hơn,” bà Horowitz nói.

Bà Horowitz cho biết thêm, khi những thách thức mới như lạm phát toàn cầu gia tăng và tác động của dịch Covid-19 đang dàn mỏng nguồn lực tài chính công, IFC cần tiếp tục phối hợp với khu vực tư nhân để triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết những thách thức phát triển này, giúp người dân có thể tiếp cận những dịch vụ và việc làm mà họ cần.

Tin bài liên quan