IFC đã cung cấp 2 tỷ USD từ nguồn vốn của tổ chức và huy động 1,4 tỷ USD từ các nhà đầu tư khác trong năm tài khóa này. Qua đó, giúp các doanh nghiệp tạo ra được trên 550.000 việc làm, phân phối điện cho 4,4 triệu người, cung cấp nước cho 9,6 triệu người, và cải thiện sinh kế của hơn 710.000 nông dân.
Ông Vivek Pathak, Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của IFC cho biết: “IFC kiến tạo các cơ hội tại các thị trường mới nổi và tạo thêm nhiều việc làm với mục tiêu đạt được sự bền vững thông qua cung cấp các dịch vụ hiệu quả với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực chính như tài chính, cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục.”
Các nỗ lực của IFC đã giúp thúc đẩy sự phát triển của trái phiếu xanh trong khu vực. IFC cùng với các thành viên khác của Nhóm Ngân hàng Thế giới đã giúp Fiji trở thành thị trường mới nổi đầu tiên trên thế giới phát hành trái phiếu xanh của chính phủ, huy động được 50 triệu USD giúp quốc gia này ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu.
IFC cũng là nhà đầu tư duy nhất của trái phiếu xanh do Ngân hàng BDO Unibank Inc phát hành trị giá 150 triệu USD - đây là lần đầu tiên một ngân hàng thương mại của Philippines phát hành loại trái phiếu này và cũng là khoản đầu tư đầu tiên của IFC vào trái phiếu xanh phát hành bởi một định chế tài chính trong khu vực.
Sau đó, IFC cũng thực hiện các khoản đầu tư tương tự tại Thái Lan và Indonesia. IFC cũng đã phát hành trái phiếu xanh bằng đồng peso đầu tiên - tương ứng với khoảng 90 triệu USD - nhằm hỗ trợ thị trường vốn và các dự án đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu tại Philippines.
Trong khi đó, tại Việt Nam, nơi chỉ có khoảng 35% dân số được sử dụng nước máy, IFC đã cung cấp khoản vay trị giá 15,3 triệu USD cho một trong số các công ty sản xuất và cung cấp nước sạch tư nhân đầu tiên tại Việt Nam - DNP Water JSC - nhằm tăng khả năng tiếp cận nước sạch cho các hộ gia định và cư dân tại các thành phố trực thuộc tỉnh.
Khi khu vực tư nhân đóng góp 90% tổng số việc làm trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, IFC đã tăng cường các hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nhằm nâng cao khả năng tạo việc làm, vốn được xem là chìa khóa để giảm nghèo trong khu vực.
Ngoài các hỗ trợ tài chính, IFC còn tư vấn cho các chính phủ và doanh nghiệp tư nhân trong khu vực nhằm kiến tạo một môi trường thuận lợi cho kinh doanh và cải thiện các tiêu chuẩn về phát triển bền vững. Tính đến cuối năm tài khóa 2018, tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, IFC đang triển khai 108 dự án tư vấn trị giá 244,1 triệu USD.
Sang năm tài khóa 2019, phối hợp cùng với các tổ chức thành viên khác của Nhóm Ngân hàng Thế giới, trọng tâm chiến lược của IFC tiếp tục sẽ là tối đa hóa các khoản tài trợ cho khu vực tư nhân nhằm giải quyết các thách thức phát triển.
Bằng cách làm việc với chính phủ các nước để tạo dựng môi trường thuận lợi cho kinh doanh và huy động các nguồn lực của Nhóm Ngân hàng Thế giới, IFC đang không ngừng tăng cường các khoản đầu tư tư nhân vào lĩnh vực điện tại Myanmar, Philippines, Papua New Guinea, CHDCND Lào và Việt Nam; vào lĩnh vực du lịch tại Indonesia, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon và Fiji, và vào lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp tại Việt Nam, cùng những lĩnh vực khác.