Một cơ sở lọc dầu của Nga. Ảnh: The Moscow Times/TTXVN
Trong báo cáo về thị trường dầu khí được công bố hằng tháng, cơ quan trên cho biết các lệnh cấm vận của EU đối với dầu thô và dầu mỏ của Nga, cũng như dịch vụ vận tải hàng hải, sẽ gia tăng sức ép đối với sự cân bằng dầu mỏ toàn cầu, đặc biệt gây áp lực cho các thị trường dầu diesel.
Theo IEA, việc áp đặt một mức trần giá dầu có thể phần nào xoa dịu những căng thẳng thị trường, song không thể ngăn được các biến động khó lường trong khi còn tồn tại các thách thức về logistics. IEA cho rằng các yếu tố này sẽ càng thúc đẩy những bất ổn trong thị trường dầu thế giới.
Trước đó, giới chuyên gia cũng đã cảnh báo việc áp đặt giới hạn giá khí đốt sẽ gây ảnh hưởng đến các hợp đồng dài hạn và an ninh nguồn cung của EU. Ý tưởng áp đặt giới hạn giá đối với các nguồn năng lượng của Nga được các nhà lãnh đạo của các nước phương Tây đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) hồi tháng 6. Các hạn chế đối với dầu sẽ có hiệu lực vào tháng 12 và các sản phẩm dầu vào tháng 2/2023. Việc áp giá trần sẽ được triển khai cùng với các biện pháp liên quan trong gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga nhằm hạn chế nguồn tài chính của Moskva. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận áp giá trần khí đốt của Nga.
G7 đã lên kế hoạch nhằm khắc phục ảnh hưởng từ lệnh cấm vận của EU, trong đó cho phép các nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển hỗ trợ Nga xuất khẩu dầu, song chỉ với mức giá tối thiểu bắt buộc. Kế hoạch này sẽ được triển khai song song với quy định về giá vào tháng 12.
IEA cho biết, khi các quốc gia tìm cách tự chủ khỏi nguồn cung của Nga vào năm tới, sản lượng dầu của quốc gia này sẽ giảm 1,4 triệu thùng/ngày (bpd). Trong khi đó, việc áp đặt lệnh cấm đồng nghĩa EU sẽ cần tìm nguồn cung thay thế 1 triệu bpd dầu thô và 1,1 triệu bpd các sản phẩm dầu, trong đó dầu diesel là sản phẩm đặc biệt khan hiếm và đắt đỏ.
Kể từ năm 2021, giá năng lượng tại các nước EU đã tăng cao theo xu hướng toàn cầu. Sau khi EU thông qua các gói trừng phạt nhằm vào Nga, giá năng lượng đã tăng mạnh, qua đó đặt vấn đề an ninh năng lượng lên mức ưu tiên cao trong các chương trình nghị sự ở cả cấp độ quốc gia và toàn cầu, đồng thời khiến nhiều chính phủ châu Âu phải áp dụng các biện pháp bất thường.