Trong báo cáo thị trường mới nhất, IEA cho biết, sự sụt giảm dần dần sản lượng hàng tháng sẽ bắt đầu diễn ra ngay sau tháng 8 khi Nga cắt giảm hoạt động lọc dầu và sẽ giảm nhanh khi lệnh cấm vận có hiệu lực. IEA dự kiến gần 2 triệu thùng/ngày sẽ biến mất vào đầu năm 2023, mặc dù sản lượng đã phục hồi tốt trong những tháng gần đây.
EU dự kiến sẽ ngừng hầu hết các hoạt động mua dầu thô từ Nga từ ngày 5/12 trong nỗ lực cắt đứt nguồn thu của Nga. Từ ngày 5/2/2022, lệnh cấm của EU đối với các lô hàng sản phẩm dầu của Nga sẽ có hiệu lực.
Theo ước tính của IEA, khoảng 1 triệu thùng/ngày các sản phẩm của Nga và 1,3 triệu thùng/ngày dầu thô sẽ phải tìm các nhà cung cấp mới do các quy định hạn chế của EU.
Sản lượng dầu của Nga đã tăng trong ba tháng qua, đạt gần 10,8 triệu thùng/ngày vào tháng 7 trong bối cảnh tinh chế dầu thô trong nước cao hơn và xuất khẩu mạnh mẽ khi nước này chuyển hướng dầu thô sang châu Á.
Khi các quốc gia phương Tây và các đồng minh áp đặt một số biện pháp trừng phạt năng lượng đối với Nga, nước này đã chuyển hướng thành công nguồn cung dầu thô sang châu Á. Những người mua ở châu Á - Thái Bình Dương không bị ràng buộc bởi các hạn chế của phương Tây đã sẵn sàng mua dầu của Nga, vì rẻ hơn do các lệnh trừng phạt.
Dữ liệu của IEA cho thấy, vào tháng 6, Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt qua EU để trở thành thị trường hàng đầu đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga. Trung Quốc đã nhập khẩu 2,1 triệu thùng/ngày từ Nga so với 1,8 triệu thùng/ngày từ Nga của EU.
“Con số tháng 7 hiện tại là giống hệt nhau cho hai khu vực, nhưng khối lượng hàng đến từ Trung Quốc có thể sẽ tăng lên khi các chuyến hàng chưa xác định hoàn thành”, báo cáo cho biết.
Tuy nhiên, dữ liệu của Bloomberg cho thấy, các chuyến hàng dầu thô của Nga đến châu Á đã ổn định trong những tuần gần đây, làm dấy lên lo ngại khu vực này có thể tăng mạnh nhập khẩu hơn nữa, làm ảnh hưởng tới lệnh trừng phạt của EU theo kế hoạch với dầu Nga.
Theo Bloomberg, sản lượng dầu của Nga trong 3 ngày đầu tháng 8 đạt trung bình khoảng 10,51 triệu thùng/ngày. Đó là mức giảm khoảng 2,5% vào tháng 7, nhưng cho đến nay, việc sản lượng giảm dường như được thúc đẩy bởi tính mùa vụ mà không phải bởi các yếu tố dài hạn như các lệnh trừng phạt. Dữ liệu cho thấy phần lớn số lượng bị cắt giảm đến từ một nhóm các nhà sản xuất dầu, trong đó có tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga.
Gazprom đã tích cực cắt giảm sản lượng khí đốt trong bối cảnh xuất khẩu sang EU. Do Gazprom không chỉ bơm khí từ các mỏ, mà còn bơm khí ngưng tụ, việc đường ống dẫn chảy đến Châu Âu thấp hơn cũng dẫn đến sự sụt giảm khối lượng khí ngưng tụ của Gazprom.
Tuy nhiên, khi Gazprom tăng sản lượng khí đốt trước mùa Đông để đáp ứng nhu cầu trong nước cao hơn, sản lượng khí ngưng tụ cũng có thể sẽ phục hồi và ảnh hưởng của Gazprom đối với sản xuất của Nga có thể suy giảm.