Tăng trưởng của Trung Quốc đã định hình thị trường năng lượng thế giới trong nhiều thập kỷ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tăng trưởng của Trung Quốc đã định hình thị trường năng lượng thế giới trong nhiều thập kỷ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

IEA: Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc vẫn ổn định bất chấp sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
Theo IEA, bất chấp những sóng gió trên thị trường bất động sản, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc vẫn ổn định và quốc gia châu Á này vẫn là động lực quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu.

Theo một báo cáo mới đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tăng trưởng của Trung Quốc đã định hình thị trường năng lượng thế giới trong những thập kỷ gần đây.

Chỉ riêng trong thập kỷ qua, Trung Quốc đóng góp hơn 1/3 tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Quốc gia châu Á này cũng chiếm hơn 50% tăng trưởng nhu cầu năng lượng và 85% mức tăng phát thải CO2 của ngành năng lượng thế giới.

Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc đang thay đổi.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã cho rằng giai đoạn đầu tư lớn và sử dụng nhiều tài nguyên vào đô thị hóa, cơ sở hạ tầng và nhà máy cần phải chấm dứt.

Từ năm 2007, Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ đã cảnh báo: “Vấn đề lớn nhất với nền kinh tế Trung Quốc là tăng trưởng không ổn định, mất cân bằng, thiếu phối hợp và không bền vững”.

Một sự tái cân bằng nền kinh tế có thể có tác động đáng kể đến triển vọng của ngành năng lượng Trung Quốc, cũng như quy mô của Trung Quốc đối với thế giới trong lĩnh vực này.

Theo báo cáo của IEA, trong bối cảnh suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc, việc tái cân bằng nền kinh tế nước này vẫn còn là một chặng đường dài.

Mức tiết kiệm và đầu tư vẫn rất cao, tỷ lệ nợ trên GDP tiếp tục tăng và ngành xây dựng vẫn giữ vai trò to lớn trong GDP.

Trung Quốc đã có cơ sở hạ tầng ở đẳng cấp thế giới, và sau khi tăng trưởng gần 30% trong thập kỷ qua, diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người của nước này đã ngang bằng với Nhật Bản, mặc dù GDP bình quân đầu người của Trung Quốc ở mức thấp hơn.

Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đạt đỉnh vào khoảng năm 2015 và dự kiến sẽ giảm hơn 20% vào năm 2050. Kéo theo đó là nhu cầu đầu tư giảm, chẳng hạn như nhu cầu đầu tư trong các lĩnh vực nhà ở và cơ sở hạ tầng mới.

Cuộc khủng hoảng bất động sản hiện nay ở Trung Quốc đã thu hút nhiều sự chú ý, tuy nhiên nó vẫn chưa tác động đáng kể đến ngành năng lượng.

Khủng hoảng bất động sản là một “triệu chứng” của sự thay đổi cơ cấu rộng lớn mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt. Quá trình chuyển đổi kinh tế này diễn ra như thế nào lại là một trong những điều không chắc chắn.

“Trong các kịch bản của mình, chúng tôi đã điều chỉnh giảm dự báo dài hạn về tăng trưởng GDP ở Trung Quốc xuống chỉ còn dưới 4% mỗi năm trong giai đoạn 2022 - 2030, và 2,3% mỗi năm trong giai đoạn 2031 - 2050” - IEA nhận định trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới 2023.

Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới năm 2022, các con số dự báo cho những giai đoạn này lần lượt là hơn 4,5% và hơn 2,5%.

Động lực quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu

“Bất chấp những thay đổi này, Trung Quốc vẫn là động lực quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu, chiếm gần 1/3 tăng trưởng GDP toàn cầu đến năm 2030 trong các kịch bản của chúng tôi” - theo IEA.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chậm hơn có thể sẽ khiến tổng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc đạt đỉnh vào khoảng giữa thập kỷ này, với nhu cầu ổn định và sau đó giảm dần; và tăng trưởng năng lượng sạch đủ để làm giảm nhu cầu nhiên liệu hóa thạch và do đó giảm lượng khí thải.

Có một số lý do giải thích tại sao nhu cầu năng lượng vẫn ổn định trước sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc:

Quá trình điện khí hóa nhanh chóng đã thúc đẩy nhu cầu điện tăng trưởng mạnh mẽ. Sản xuất điện đã chiếm hơn 70% mức tăng nhu cầu năng lượng ở nước này kể từ năm 2015. Các lĩnh vực “kinh tế mới” đang phát triển mạnh mẽ, bao gồm sản xuất công nghệ cao trong lĩnh vực năng lượng sạch như quang điện (PV) và xe điện (EVs).

Trong khi mức tăng trưởng trung bình hằng năm của đầu tư tài sản cố định vào bất động sản đã giảm khoảng 5% kể từ tháng 1/2022, thì đối với sản xuất ôtô, mức tăng trưởng đầu tư tài sản cố định hằng năm đã tăng khoảng 15%.

Một dẫn chứng khác, doanh thu trong năm ngoái của những nhà sản xuất pin Mặt Trời và các nhà sản xuất ôtô niêm yết lần lượt lên tới 166 tỷ USD và 135 tỷ USD.

Trung Quốc cũng đang “ồ ạt” tăng cường sản xuất hóa dầu trong nước. Đến năm 2024, nước này dự kiến sẽ bổ sung công suất hóa dầu bằng tổng công suất của tất cả các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ở châu Âu và châu Á.

Nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất hóa dầu đã tăng 50% kể từ năm 2019 và chiếm khoảng 80% tăng trưởng nhu cầu sản phẩm dầu ở Trung Quốc trong giai đoạn 2019 - 2023.

Hạn hán năm 2021 và 2022 đã hạn chế sản xuất thủy điện, và tình trạng này vẫn tiếp diễn trong năm 2023. Nếu không có yếu tố này, tổng mức tăng trưởng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc sẽ thấp hơn vào năm 2022 và lượng khí thải CO2 của Trung Quốc sẽ giảm thay vì tăng nhẹ.

Báo cáo của IEA cũng đề cập các kịch bản tăng trưởng cao và tăng trưởng thấp của nền kinh tế Trung Quốc. Báo cáo cho rằng trong cả hai trường hợp, sức ảnh hưởng của Trung Quốc trên thị trường năng lượng thế giới đều mang những hàm ý quan trọng ở phạm vi toàn cầu.

Trường hợp kinh tế Trung Quốc dựa trên mức tăng trưởng thấp hơn nhưng chất lượng cao hơn, sẽ có tác động đáng kể và có thể gây giảm phát trên thị trường công nghệ và hàng hóa năng lượng toàn cầu.

Việc tăng cường chú trọng vào các lĩnh vực theo định hướng xuất khẩu, bao gồm cả công nghệ năng lượng sạch nhằm bù đắp một phần sự suy giảm của các lĩnh vực khác như bất động sản, có thể có tác động đến các quan hệ thương mại vốn đã căng thẳng.

Mặt khác, việc kéo dài mô hình thâm dụng cơ sở hạ tầng và tài sản hiện tại có thể thúc đẩy thị trường năng lượng và hàng hóa trong ngắn hạn, nhưng điều đó cũng sẽ làm tăng lượng khí thải CO2 và có thể gây ra các vấn đề kinh tế trong tương lai.

Tin bài liên quan