IEA: Nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh trong thập kỷ này

IEA: Nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh trong thập kỷ này

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh trong thập kỷ này, trong bối cảnh ô tô điện ngày càng phổ biến và nền kinh tế Trung Quốc đang hạ nhiệt.

Theo Báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới hàng năm của IEA được công bố hôm thứ Ba (24/10), thế giới sẽ tiêu thụ tới 102 triệu thùng dầu mỗi ngày vào cuối thập kỷ này, với khối lượng giảm xuống còn 97 triệu thùng mỗi ngày vào giữa thế kỷ 21.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết: “Quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch đang diễn ra trên toàn thế giới và không thể ngăn cản được. Những tuyên bố rằng dầu khí đại diện cho những lựa chọn an toàn hoặc đảm bảo cho tương lai năng lượng và khí hậu của thế giới có vẻ yếu hơn bao giờ hết”.

IEA cho biết, nhu cầu dầu trong các ngành hóa dầu, hàng không và vận tải biển sẽ tiếp tục tăng đến năm 2050 nhưng sẽ không đủ để bù đắp cho nhu cầu thấp hơn từ vận tải đường bộ trong bối cảnh “doanh số bán xe điện tăng đáng kinh ngạc”. Theo báo cáo, Trung Quốc - quốc gia trong nhiều năm đã thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ dầu thô toàn cầu - sẽ chứng kiến nhu cầu tiêu thụ của nước này suy yếu trong vài năm tới, với tổng mức tiêu thụ giảm trong thời gian dài.

Tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ đi theo con đường tương tự như nhu cầu về các loại hydrocarbon khác. IEA cho biết: “Chúng tôi đang đi đúng hướng để chứng kiến tất cả nhiên liệu hóa thạch đạt đỉnh trước năm 2030. Đây là lần đầu tiên tất cả các kịch bản do IEA đưa ra cho thị trường năng lượng toàn cầu đều chỉ ra sự sụt giảm trong tiêu thụ hydrocarbon trong thời gian ngắn”.

Báo cáo cho biết, đến năm 2030, số lượng xe điện trên đường có thể gấp 10 lần hiện nay. Các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện có thể cung cấp 50% điện năng cho thế giới, tăng từ mức 30% hiện nay. Máy bơm nhiệt và các hệ thống sưởi ấm bằng điện khác có thể bán chạy hơn lò hơi đốt gas và dầu. Đầu tư toàn cầu vào các trang trại gió ngoài khơi có thể vượt qua các nhà máy điện than và khí đốt.

Kịch bản cơ bản của IEA phản ánh các chính sách năng lượng hiện đang được các chính phủ trên toàn thế giới theo đuổi và sự phân nhánh tiếp tục của cuộc khủng hoảng năng lượng trong năm ngoái. Kịch bản thứ hai của IEA - giả định tất cả các chính phủ đáp ứng đầy đủ và đúng hạn các cam kết về năng lượng và khí hậu - dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh 93 triệu thùng/ngày vào năm 2030, sau đó giảm xuống còn 55 triệu thùng/ngày vào năm 2050. Kịch bản thứ ba của IEA - kịch bản phát thải ròng bằng 0 và sự nóng lên toàn cầu được giới hạn ở 1,5 độ C - sẽ khiến nhu cầu toàn cầu giảm xuống 77 triệu thùng/ngày vào năm 2030 và chỉ dưới 25 triệu thùng/ngày vào năm 2050.

Theo báo cáo, quá trình khử cacbon trong nền kinh tế toàn cầu “sẽ còn kéo dài và các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch vẫn có ảnh hưởng” trong những năm tới.

Trong kịch bản cơ bản, Nga và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ duy trì tổng thị phần dầu mỏ ở mức từ 45% đến 48% cho đến cuối thập kỷ này. Đến giữa thế kỷ này, con số đó sẽ tăng trên 50% nhờ sản lượng cao hơn ở Ả Rập Xê Út.

Mặt khác, Nga dự kiến sẽ mất khoảng 3,5 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 1/3 sản lượng dầu của mình vào năm 2050, “vì nước này phải vật lộn để duy trì sản lượng từ các mỏ hiện có hoặc phát triển các mỏ mới quy mô lớn”, IEA cho biết.

IEA cũng giả định rằng trong những năm tới Iran và Venezuela sẽ có thể tăng sản lượng nhờ việc nới lỏng dần các lệnh trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, theo thời gian, sức mạnh thị trường của các nhà sản xuất dầu lớn sẽ suy giảm.

Tin bài liên quan