IEA: Giá dầu giảm phản ánh sự suy giảm của nhu cầu

IEA: Giá dầu giảm phản ánh sự suy giảm của nhu cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), việc giá dầu giảm mạnh từ mức gần 100 USD/thùng cho thấy giá đã tăng đủ cao để bắt đầu làm xói mòn nhu cầu ở Mỹ và các nơi khác.

IEA cho biết trong báo cáo thị trường mới nhất: “Nỗi lo ngại về nguồn cung đã nhường chỗ cho các chỉ số kinh tế vĩ mô xấu đi và dấu hiệu suy giảm nhu cầu ở Mỹ, nơi nguồn cung xăng giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ. Sự suy giảm nhu cầu đã tác động mạnh hơn đến các thị trường mới nổi, vì hiệu ứng tiền tệ và việc loại bỏ trợ cấp đã làm tăng giá nhiên liệu”.

Giá dầu Brent đã tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng trên 97 USD/thùng vào cuối tháng 9, do Ả Rập Xê Út và Nga thắt chặt nguồn cung trong khi mức tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu vẫn gần mức kỷ lục. Kể từ đó, giá dầu Brent đã giảm 12% trong bối cảnh lo ngại rằng lãi suất cao hơn sẽ duy trì trong thời gian dài hơn có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu.

Sau đó, giá dầu Brent lại tăng vọt vào thứ Hai (9/10) khi cuộc giao tranh giữa Hamas và Israel làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột rộng hơn với Iran, một nhà sản xuất dầu lớn khác. Giá dầu Brent đã giảm trở lại và giao dịch gần 86 USD/thùng tại London vào thứ Năm (12/10).

Toril Bosoni, người đứng đầu bộ phận thị trường dầu mỏ tại IEA cho biết: “Xung đột chắc chắn đã làm gia tăng căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và đây là điều mà chúng tôi tại IEA đang theo dõi rất chặt chẽ. Hiện tại, không có tác động trực tiếp nào đến nguồn cung. Chúng tôi đang xem xét điều này. Nếu nó tràn ra và lan rộng ra khắp Trung Đông thì đây tất nhiên là một mối lo ngại lớn…Đây là điều mà thị trường đang rất quan tâm”.

IEA cho biết: “Trong bối cảnh thị trường dầu mỏ cân bằng chặt chẽ mà IEA đã dự đoán trong một thời gian, cộng đồng quốc tế sẽ vẫn tập trung cao độ vào những rủi ro đối với dòng chảy dầu của khu vực”.

Ghi nhận “sự leo thang mạnh mẽ về rủi ro địa chính trị”, IEA cho biết họ sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ thị trường dầu mỏ và “sẵn sàng hành động nếu cần thiết để đảm bảo thị trường vẫn được cung cấp đầy đủ”.

Trong trường hợp thiếu nguồn cung dầu đột ngột, phản ứng của IEA bao gồm các nước thành viên sẽ giải phóng kho dự trữ khẩn cấp và/hoặc thực hiện các biện pháp hạn chế nhu cầu.

Israel không phải là nhà sản xuất dầu lớn và không có cơ sở hạ tầng dầu mỏ lớn nào chạy gần Dải Gaza. Tuy nhiên, IEA lưu ý rằng Trung Đông chiếm hơn 1/3 thương mại dầu mỏ toàn cầu bằng đường biển và xung đột Israel-Hamas đã làm gia tăng lo ngại xung đột có thể ảnh hưởng đến sản xuất năng lượng trong khu vực.

Trong khi đó, bất chấp những dấu hiệu ban đầu về sự xói mòn nhu cầu, mức tiêu thụ nhiên liệu thế giới vẫn trên đà tăng 2,3 triệu thùng/ngày trong năm nay lên mức kỷ lục 101,9 triệu thùng/ngày, chủ yếu là do nhu cầu từ Trung Quốc thúc đẩy. Nhưng theo báo cáo của IEA, tồn kho dự kiến sẽ giảm mạnh trong quý này.

Trong năm tới, IEA dự kiến nguồn cung dầu toàn cầu sẽ chuyển từ thâm hụt sang thặng dư, với giả định rằng Ả Rập Xê Út và Nga dỡ bỏ đợt cắt giảm sản xuất hiện tại. IEA dự đoán tăng trưởng nhu cầu sẽ giảm hơn 50% xuống chỉ còn dưới 1 triệu thùng/ngày vào năm 2024 trong bối cảnh hiệu quả sử dụng nhiên liệu được cải thiện và sự phổ biến của xe điện ngày càng tăng.

Tin bài liên quan