IEA đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về lượng khí thải carbon

IEA đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về lượng khí thải carbon

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lượng khí thải carbon liên quan đến năng lượng đang trên đà tăng gần mốc 5% trong năm nay, đảo ngược phần lớn sự suy giảm trong năm 2020 do đại dịch Covid-19 gây ra.

Theo Tạp chí Năng lượng Toàn cầu năm 2021 của IEA được công bố hôm thứ Ba (20/4), lượng khí thải carbon liên quan đến năng lượng toàn cầu có thể tăng lên 33 tỷ tấn trong năm nay, tăng 1,5 tỷ tấn so với năm 2020.

Điều này phản ánh mức tăng lượng khí thải lớn nhất kể từ năm 2010 và mức tăng lớn thứ hai trong lịch sử.

Fatih Birol, Giám đốc điều hành của IEA cho biết trong báo cáo: “Đây là một cảnh báo nghiêm trọng rằng sự phục hồi kinh tế từ cuộc khủng hoảng Covid hiện là rất quan trọng nhưng lại ảnh hưởng đối với khí hậu của chúng ta”.

“Trừ khi các chính phủ trên toàn thế giới tiến hành nhanh chóng để bắt đầu cắt giảm lượng khí thải, chúng ta có khả năng phải đối mặt với một tình huống tồi tệ hơn vào năm 2022”, ông nói thêm.

Báo cáo được đưa ra vào thời điểm các nhà hoạch định chính sách đang chịu áp lực ngày càng lớn để thực hiện những lời hứa được đưa ra như một phần của Thỏa thuận Paris.

Tổng thống Joe Biden sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến để thảo luận về tình trạng khẩn cấp khí hậu với những nhà lãnh đạo thế giới trong tuần này. Trong khi đó, các cuộc đàm phán toàn cầu về khí hậu sẽ được tổ chức tại Glasgow, Scotland vào đầu tháng 11.

Tuy nhiên, ngay cả khi các chính trị gia và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp công khai thừa nhận sự cần thiết của việc chuyển đổi sang một xã hội carbon thấp thì hy vọng hạn chế sự nóng lên toàn cầu và đáp ứng một mục tiêu toàn cầu quan trọng đang nhanh chóng suy giảm.

Gần 200 quốc gia đã phê chuẩn hiệp định khí hậu Paris tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu 2015 (COP21) và đồng ý hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình của hành tinh ở mức dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp và theo đuổi nỗ lực để giới hạn mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C.

Hiện tại, trước Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu 2021 (COP26) được tổ chức vào tháng 11 tới, một số nhà khoa học khí hậu tin rằng việc đạt được mục tiêu 1,5 độ C là “hầu như không thể”.

“Trong cuộc khủng hoảng Covid, nhiều người nghĩ rằng con người sẽ hướng tới môi trường nhiều hơn, các chính phủ đang đưa ra cam kết này đến cam kết khác, và kết quả là chúng ta sẽ có một hệ thống năng lượng sạch hơn. Nhưng những con số cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác”, Birol nói với CNBC.

“Ngày càng có nhiều khoảng cách giữa những gì các chính phủ nói với những gì chúng ta đọc trên báo và những gì đang xảy ra trong đời thực”, ông nói thêm.

Ông Birol cho biết, các nhà hoạch định chính sách phải đưa ra cam kết rõ ràng về kế hoạch giảm đáng kể lượng khí thải tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo về khí hậu vào thứ Năm (22/4) và thứ Sáu (23/4).

Ông cảnh báo rằng mặc dù dự báo phát thải năm 2021 của IEA là "đáng thất vọng", nhưng nếu không có hành động ngay lập tức, năm tới "thậm chí còn tồi tệ hơn”.

IEA cho biết, sự gia tăng lượng khí thải carbon trong năm nay có thể sẽ được thúc đẩy bởi sự hồi sinh của việc sử dụng than trong ngành điện với hơn 80% mức tăng trưởng dự kiến ​​đến từ châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc.

Bên cạnh đó, việc sử dụng than ở Mỹ và Liên minh châu Âu cũng dự kiến ​​sẽ tăng vào năm 2021, nhưng vẫn ở mức “thấp hơn nhiều” so với mức trước đại dịch.

Tin bài liên quan