Trung Quốc một trong những thị trường tiềm năng đối với ngành cá tra Việt Nam, cũng là thị trường mà IDI đã thâm nhập từ hơn 10 năm trước và có những mối quan hệ bán hàng khá tốt.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện IDI chia sẻ, trong quý III/2018, doanh thu ước tính tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận ước đạt tương đương quý II cũng như cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, Công ty đang tiến gần đến mục tiêu lợi nhuận cả năm, hoàn thành hơn 80% mục tiêu sau 9 tháng.
Bên cạnh nhu cầu thị trường tăng, đẩy sản lượng tiêu thụ tăng, kết quả này còn nhờ IDI chủ động nguồn nguyên liệu (vùng tự nuôi và liên kết với hộ nông dân), cung cấp 95% nguyên liệu cho sản xuất và chế biến của Công ty.
Mặt khác, việc ký kết hợp đồng bao tiêu với nông dân giúp IDI có được được nguồn nguyên liệu rẻ hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với giá cá nguyên liệu trên thị trường hiện nay.
Theo IDI, các nhà máy đang chạy hết công suất nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu đơn hàng. Do đó, Công ty có kế hoạch mở rộng công suất bằng cách đầu tư thêm một nhà máy có công suất gấp đôi công suất hiện tại.
“Dự án hiện đã hoàn thành kho lạnh và đang trong giai đoạn xây dựng, lắp đặt máy móc, dây chuyền”, đại diện IDI nói và cho rằng, với diễn biến giá cá nguyên liệu và tình hình đơn hàng tiêu thụ hiện nay, Công ty dự kiến hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận năm 2018 khoảng 10%.
Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu IDI phiên 17/10 là 12.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng P/E trượt 4 quý gần nhất ở mức gần 4 lần. Tới đây, Công ty sẽ chia cổ tức đợt 1 năm 2018 tỷ lệ 10% bằng cổ phiếu, sau khi chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 10% (cho năm 2017 là 9% và tạm ứng đợt 1 năm 2018 là 1%). Qua đó, vốn điều lệ của IDI sẽ tăng lên gần 2.000 tỷ đồng.
Được biết, tại ngày 30/6/2018, IDI có giá trị sổ sách 13.960 đồng/cổ phiếu, tổng tài sản 6.018,6 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 2.536,9 tỷ đồng, nợ phải trả 3.481,7 tỷ đồng bao gồm nợ ngắn hạn 2.903,2 tỷ đồng.
Với Công ty cổ phần Gemadept (GMD), công ty tư nhân đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực khai thác cảng và logistics, năm 2018 đặt kế hoạch đạt doanh thu 2.405 tỷ đồng, giảm 40% so với năm 2017 vì không còn hạch toán doanh thu từ 2 công ty con trong lĩnh vực logistics, do Công ty đã chuyển nhượng một phần vốn góp.
Mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 2.130 tỷ đồng, nếu loại trừ lợi nhuận bất thường từ chuyển nhượng tài sản thì Công ty dự kiến lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt 570 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2017, chủ yếu nhờ vào hoạt động của khối cảng.
Đại diện GMD cho hay, khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay là khả quan, bởi quý III và quý IV thường là thời điểm mùa vụ, Công ty có thể đẩy nhanh và mạnh doanh thu, lợi nhuận.
Được biết, 9 tháng đầu năm 2018, GMD ghi nhận mức tăng trưởng bình quân khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi trước thông tin dự thảo điều chỉnh khung giá dịch vụ cảng biển tại khu vực cảng miền Bắc, qua đó giúp doanh nghiệp gia tăng doanh thu, lợi nhuận.
Phiên 17/10, giá cổ phiếu GMD là 26.900 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 20% so với 3 tháng trước. Nếu hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm nay, GMD có P/E dự phóng năm 2018 khoảng 14 lần.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy điện cũng dự kiến hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2018, nhờ vào yếu tố mùa vụ quý IV của nhà máy thủy điện.
GMD và SHP có khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2018, còn IDI dự kiến thực hiện vượt mức kế hoạch lợi nhuận khoảng 10%
Thông thường, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thủy điện trong hai quý đầu năm không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ, do đa phần các công ty có xu hướng dự trữ nguồn nước và hoạt động cầm chừng để dự trữ cho mùa khô, khi giá bán điện tốt hơn. Theo đó, càng về cuối năm, kết quả hoạt động của doanh nghiệp ngày càng cải thiện.
Công ty cổ phần Thủy điện miền Nam (SHP) đang khai thác 3 nhà máy thủy điện tại khu vực Tây Nguyên, trong tháng 9/2018, sản lượng điện của 3 nhà máy đạt hơn 86 triệu kWh, doanh thu tương ứng 77 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, các nhà máy đạt sản lượng 463,458 triệu kWh, doanh thu gần 442 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này tương đương 75% kế hoạch doanh thu cả năm (590,6 tỷ đồng).
Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của SHP phụ thuộc lớn vào sản lượng và đàm phán giá điện. Trong 6 tháng đầu năm 2018, SHP lãi ròng 17,3 tỷ đồng, trong khi kế hoạch cả năm là 155,4 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, thành viên Hội đồng quản trị SHP, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nghiêng về 6 tháng cuối năm, 6 tháng đầu năm thường chỉ chạy 30% sản lượng cả năm.
Trong 3 năm gần nhất, ngoài năm 2016, thời tiết diễn biến không thuận lợi, ảnh hưởng đến sản lượng, thì các năm còn lại, SHP đều hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận.
Ngoài ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, vấn đề với SHP hiện nay là làm sao để mở rộng tăng trưởng, không chỉ gói gọn với 3 nhà máy thủy điện. Đại diện SHP cho hay, dự án Nhà máy ĐaM’bri đang trong giai đoạn khấu hao.
Tổng đầu tư thực tế của nhà máy cao hơn nhiều so với mức vốn dự kiến ban đầu, do diễn biến giá vật tư trong thời gian thực hiện tăng. Theo đó, SHP sẽ phải phân bổ nguồn lực trả nợ theo kế hoạch từ nay đến năm 2025.