Ảnh minh họa
Đầu vào chao đảo, giá điện vẫn đứng im 4 năm
Trong cuộc làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình cân đối tài chính của EVN năm 2022 - 2023 và xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhắc tới việc EVN đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có và dị biệt thời gian qua.
Trong báo cáo giữa tháng 1/2023, EVN cho biết, năm 2022, lỗ sản xuất - kinh doanh lên tới 28.876 tỷ đồng. Nếu giá điện tiếp tục đứng im, thì năm 2023, EVN sẽ lỗ 64.941 tỷ đồng. Như vậy, mức lỗ cho 2 năm lên tới 93.817 tỷ đồng. Đáng nói là, với tốc độ này, đến hết tháng 5/2023, Công ty mẹ EVN sẽ không còn tiền trong tài khoản và đến tháng 6 sẽ thiếu hụt tiền thanh toán.
Thực tế, những cảnh báo về khó khăn của EVN đã được nhắc tới trong nửa cuối năm 2022, với các thách thức về giá nhiên liệu đầu vào chịu tác động lớn từ thị trường quốc tế. Bên cạnh đó là tỷ giá tăng khiến chênh lệch tỷ giá tại nhiều nhà máy điện không nhỏ, hay cơ cấu huy động điện có biến động mạnh từ năm 2021 khi được bổ sung một lượng quá lớn năng lượng tái tạo với giá cao mà vận hành lại không ổn định…
Tuy nhiên, giá bán lẻ điện bình quân cơ sở của Việt Nam được áp dụng từ tháng 3/2019 - thời điểm trước khi diễn ra dịch bệnh, khủng hoảng năng lượng thế giới, vẫn tiếp tục đứng im ở thời điểm tháng 2/2023, tức là bất động 4 năm.
Trước khả năng EVN không có dòng tiền để trả cho việc mua buôn điện của các nhà máy trên hệ thống trong nửa cuối năm 2023 và rất có thể từ tháng 3/2023, sẽ có tình trạng EVN bắt đầu khất nợ tiền mua điện một tỷ lệ nhất định, các nhà đầu tư nguồn điện đã rất lo lắng.
ì ạch cơ chế điều chỉnh
Giá điện từng được điều chỉnh mạnh nhất vào năm 2011 với 2 lần tăng. Trong đó, lần tăng giá điện 5% từ ngày 20/12/2011 được EVN chủ động thông báo sau khi có văn bản báo cáo Bộ Công thương và được chấp nhận, nhằm bảo đảm phản ánh đúng chi phí sản xuất - kinh doanh điện thực tế, bù đắp một phần chi phí phát sinh khách quan do phải chạy dầu cao vì khô hạn. Đây là lần duy nhất giá điện được EVN chủ động ra thông cáo về điều chỉnh giá điện.
Các chuyên gia cho rằng, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đã rất chậm trễ nếu nhìn vào thực tế 4 năm qua. Quyết định 24/2017/QĐ-TTg có quy định việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo quý và hàng năm, nhưng thực tế, có quá nhiều yếu tố chủ quan cản trở việc điều chỉnh giá điện này.
Theo yêu cầu của các cơ quan chức năng hiện nay, EVN và các đơn vị thành viên phải có báo cáo tài chính năm 2022 được kiểm toán, sau đó các bộ, ngành, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Người tiêu dùng sẽ đi kiểm tra, rồi mới tiếp tục tính cho điều chỉnh giá điện ra sao.
“Cần thời gian để hoàn tất các báo cáo tài chính, cũng như phải đủ số liệu chính xác thì kiểm toán mới xác nhận được. Rồi các bên đi kiểm tra. Nếu 6 tháng mới xong các công việc này và cho ra đáp án là chi phí tăng khoảng 20%, thì việc cho phép điều chỉnh sẽ theo mức nào. Nếu 20%, thì không ai chấp nhận được, nhưng thấp hơn, thì lại treo các khoản lỗ lên, về nguyên tắc cũng không đúng quy định”, nhiều người am hiểu thực tế băn khoăn.
Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo cơ chế thị trường trong 4 năm qua bị dồn toa khiến tình trạng hiện nay rất căng thẳng. Điều này kéo theo những mối lo lớn về vận hành hệ thống điện, khi nhu cầu điện đang có sự gia tăng trở lại, trong khi nguồn cung điện có giá rẻ hơn giá bán lẻ điện bình quân hiện chỉ còn thủy điện lại không đủ phủ hết nhu cầu.
Một quan chức của EVN cho hay, Tập đoàn đã đề nghị cho các doanh nghiệp tư nhân sản xuất điện được bán điện trực tiếp tới khách hàng ở cấp 110 kV từ tháng 6/2023. Bên cạnh đó, các giải pháp tháo gỡ tài chính cho EVN cần nhanh chóng hơn, nếu không, có thể gặp tình trạng nguồn điện thì có mà không đủ điện do không có tiền trả cho các doanh nghiệp sản xuất điện.